An toàn trong căng thẳng thương mại
Những động thái của Mỹ, Trung Quốc và các bên liên quan đang được theo dõi sát sao trước nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ và lan rộng kéo theo những tác động khó lường.
Tại thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tiếp tục đưa ra cảnh báo về việc chiến tranh thương mại có thể bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc, Canada và Mexico là những quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm đến đầu tiên trong quyết định áp thuế ở mức cao khi nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, cả 3 nước trên đều lập tức công bố những chính sách đáp trả. Vì thế, lệnh áp thuế với Canada và Mexico đã được Mỹ hoãn thêm 30 ngày (cho tới đầu tháng 3/2025), sau khi 2 nước kể trên cam kết tăng cường ngân sách và hoạt động bảo vệ an ninh biên giới với Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh không bên nào thắng trong chiến tranh thương mại. Sau khi lệnh áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính Trung Quốc lập tức thông báo sẽ áp thuế với hàng hóa nhập từ Mỹ, bao gồm 15% đối với than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại không chỉ có vậy khi ông Trump khẳng định "chắc chắn" sẽ áp thuế với Liên minh Châu Âu (EU), đối tác thương mại lâu đời xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, qua đó gây nguy cơ xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và xáo trộn thị trường trên phạm vi toàn cầu. Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU nhận thức rõ thách thức tiềm tàng trong quan hệ thương mại với Mỹ và đã sẵn sàng đương đầu.
Còn theo Ủy viên phụ trách thương mại EU Maros Sefcovic: "Chúng tôi có thặng dư thương mại trong hàng hóa, nhưng Mỹ lại có thặng dư trong dịch vụ. Mỗi năm, 300 tỷ euro chảy vào các công ty Mỹ từ quỹ hưu trí của chúng tôi, khi công dân châu Âu dùng khoản tiết kiệm để đầu tư vào Mỹ. Do đó, tôi nghĩ đây là mối quan hệ công bằng".
Những lo ngại về chiến tranh thương mại kéo dài đã khiến các nhà đầu tư tìm đến sự an toàn, trong đó vàng được coi là nơi “trú ẩn” tốt nhất. Nói như Phó Chủ tịch Peter Grant, Công ty Zaner Metals (chuyên cung cấp giải pháp khai thác kim loại có trụ sở tại Mỹ), giá vàng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ bối cảnh không chắc chắn về thương mại toàn cầu, trong khi thị trường chứng khoán chao đảo.
Trong bối cảnh đó, ngoài Trung Quốc, kinh tế các quốc gia khác ở châu Á cũng bị ảnh hưởng, theo Đài CNBC dẫn các số liệu thống kê, tại châu Á, Hàn Quốc cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác tại khu vực Đông Nam Á là các nhà xuất khẩu thép, nhôm lớn vào Mỹ. Chính vì thế, các nền kinh tế này cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ. “Châu Á sẽ không bị ảnh hưởng gián tiếp mà cũng sẽ là trực tiếp khi nhập khẩu vào Mỹ và buộc phải đối mặt khi thương chiến leo thang” - nhận định trên CNBC.
Theo bà Sagarika Chandra - Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) phải đối mặt với những trở ngại từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ trong năm 2025. Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của hầu hết các nền kinh tế APAC nên nếu thương chiến lan rộng thì nhiều nền kinh tế trong khu vực sẽ bị tổn thương. Dự kiến tăng trưởng năm 2025 của một nửa các nền kinh tế APAC sẽ chậm lại do xuất khẩu gặp khó khăn.
Còn theo ông Danny Kim - chuyên gia kinh tế khu vực APAC của Công ty phân tích Moody's thuộc Tập đoàn Moody's chuyên về dịch vụ tài chính thì có thể năm 2025 nền kinh tế toàn cầu sẽ mất đà nhưng sẽ không suy sụp dù các biện pháp thuế quan và chiến tranh thương mại đè nặng lên xuất khẩu, chi phí đầu tư.
Với câu hỏi: Các nền kinh tế APAC sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường áp dụng biện pháp thuế quan?, ông Kim cho rằng nhiều nền kinh tế APAC phụ thuộc lớn vào thương mại, nên các biện pháp thuế quan sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng vì hầu hết các nền kinh tế khu vực này đều có thặng dư thương mại với Mỹ. “Ngay cả khi Mỹ không áp các biện pháp thuế quan, các nền kinh tế APAC vẫn chịu tác động tiêu cực khi xảy ra trục trặc trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cùng các đối tác thương mại lớn khác. Vì thế, tìm kiếm sự an toàn trong lúc này là cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, quốc gia nào khéo léo tận dụng được ưu thế thì sẽ bật lên chiếm lợi thế”- ông Kim nhận định.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu năm 2025 có thể duy trì mức 3,2%, nhưng con số này ẩn chứa những bất ổn tiềm tàng. Tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực đang tạo ra sự phân hóa rõ rệt. Nhiều nền kinh tế APAC có thể chịu tổn thất khi cuộc thương chiến toàn cầu lan rộng (nếu có). Trong trường hợp đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2025 có thể chỉ ở mức 2,7%.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/an-toan-trong-cang-thang-thuong-mai-10300416.html