Hơn 800 tác phẩm có kích thước lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có 70 tác phẩm chính thức với những nội dung, ý tưởng nghệ thuật cụ thể và 41 tác phẩm nhỏ và 693 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Thư pháp chữ Quốc ngữ "nghiên bút còn thơm" (Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối hợp với ánh sáng, qua đó tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp quốc ngữ.
"Từ ánh sáng soi ngược từ bên trong ra, công chúng có thể nhìn thấy rất rõ từng nét bút, từng vết mực, từng mảng khối, sự loang nhiễm hay lắng đọng của từng đường nét, hình tượng mực ảo diệu đầy bất ngờ" - Thư pháp gia Xuân Như - Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ
Nội dung các tác phẩm thư pháp được lấy cảm hứng từ các áng thơ, văn chữ Nôm và chữ quốc ngữ của các tác giả như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội và Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Những tác phẩm thư pháp không chỉ mang vẻ đẹp truyền thống và đánh thức mỹ cảm hiện đại mà còn nhằm tăng cường nhận thức, hướng công chúng tới sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về vai trò, giá trị của thư pháp quốc ngữ trong bối cảnh hiện đại.
Ngoài phương pháp thể hiện truyền thống với bút lông, mực tàu, các tác giả còn kết hợp ứng dụng công nghệ ánh sáng hiện đại để làm nổi bật vẻ đẹp và nội dung của các tác phẩm thư pháp quốc ngữ, đồng thời mang lại hiệu ứng xem - cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật.
Đây là triển lãm thư pháp quốc ngữ đầu tiên được Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp như một triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật.
Du khách chăm chú ngắm nhìn những tác phẩm thư pháp ấn tượng tại triển lãm.
Tuấn Anh