Ánh đèn hoa trên tầng tập thể cũ

'Khu tập thể' là một thuật ngữ đặc trưng ở các đô thị miền Bắc thời chiến tranh và bao cấp, nhất là ở Hà Nội. Khu tập thể không chỉ là cách gọi một loại hình không gian cư trú mà dường như đã hiện diện trong không gian văn hóa đô thị suốt nhiều thập niên.

Nhưng hình ảnh của chúng trong không gian truyền thông cùng thời có phản ánh đúng hào quang của thời đại đó, hay chỉ là một phép thử quá độ để rồi giờ chỉ còn là những dư âm chờ tắt tiếng?

Vẽ một hình hài vị lai

Ngoại trừ những công trình lẻ tẻ trước đó, khu tập thể quy mô có từ khoảng đầu thập niên 1960 như kết quả của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Các khu tập thể ở Hà Nội mới chỉ có khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương với chiều cao 3 - 4 tầng, ngoài ra là các dãy nhà tập thể cấp 4 xây xen kẽ các nhà máy, cơ quan, trường đại học để làm nơi ở tập trung tạm thời cho cán bộ, nhân viên độc thân trong bối cảnh nhiều người xuất thân từ nông thôn ra làm việc ở thành phố.

Tuy nhiên, dường như thuật ngữ chính thức ban đầu của hình thái không gian cư trú này là “tiểu khu nhà ở lớn”, trong khi tên gọi “khu tập thể” xuất hiện như một cách gọi phụ để phân biệt với loại hình nhà mặt đất riêng lẻ. Trên mặt báo đương thời, cho đến tận thập niên sau đó, tên gọi “khu nhà ở” vẫn hiện diện ở các tít báo, cũng như việc xây dựng mới hoàn toàn đương nhiên là của nhà nước, nghĩa là của tập thể, và có lẽ vì thế trong các bài hát ca ngợi thủ đô mới không có cụm từ “khu tập thể”.

Khu Giảng Võ năm 1985. Ảnh: TLST

Khu Giảng Võ năm 1985. Ảnh: TLST

Năm 1962, bài hát Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu ra đời, đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác về đề tài xây dựng miền Bắc, là một trong ba bài hát phổ biến nhất những năm sau đó: “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua. Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa. Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng. Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca”... Những người thợ xây được tôn vinh như biểu tượng anh hùng lao động, “xây cho nhà cao, cao mãi” và “cứ mỗi ngày tầng cao lên mãi mãi” (Tiếng hát trên giàn giáo - Lưu Bách Thụ). Tuy nhiên chiều cao lúc đó chưa vượt quá 5 tầng.

Tổng kết quá trình mười năm xây dựng sau tiếp quản thủ đô, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, người từng tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương, so sánh nét mới của loại hình nhà ở này: “Một điều làm người ta phải chú ý ngay là hình khối của những công trình mới. Thời trước, nếu có xây dựng thì hầu hết chỉ là những khối riêng lẻ, vụn vặt, nhỏ bé của một số nhà ở cho thuê, biệt thự, cửa hàng…

Ngày nay, ngược lại, hầu hết là những công trình quy mô lớn, cao tầng, bố trí hàng loạt, sắp xếp có tổ chức như kiểu những khu xây dựng ở Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Vĩnh Tuy, hoặc Kim Liên, Nguyễn Công Trứ. Những công trình xây dựng mới này phản ánh yêu cầu của phương thức sản xuất mới, phương thức sinh hoạt mới, có liên quan đến hàng nghìn, hàng vạn con người” (Qua mười năm xây dựng - Tạ Mỹ Duật, Nhân Dân 11.10.1964).

Minh họa quy hoạch tiểu khu nhà ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội Mới 11.2.1979.

Minh họa quy hoạch tiểu khu nhà ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội Mới 11.2.1979.

Ông nhấn mạnh: “Muốn xây dựng ở một nơi có thể gọi là hợp lý thì phải đương đầu với thành trì kiên cố là cơ sở sở hữu cá nhân”, để giải quyết “những yêu cầu căn bản về quyền lợi sinh hoạt của nhân dân”, là những khu ở có trung tâm là vườn hoa công cộng và các công trình phúc lợi xã hội: nhà gửi trẻ, trường học, nhà ăn, cửa hàng bách hóa, thực phẩm, bãi thể dục thể thao, bệnh xá… trong một bán kính nhất định. Đây cũng là nguyên lý thiết kế cơ bản cho các khu ở hiện đại trên thế giới, song vào thập niên 1960, đó là một cuộc cách mạng về không gian sống sau thời thuộc địa và hơn một thập niên chiến tranh.

Nhưng ngay năm 1964, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc bằng không quân suốt nhiều năm sau đó khiến cho công cuộc xây dựng các khu nhà ở này ngừng lại. Phải sau khi Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, cấu trúc đô thị Hà Nội mới chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ với những khu nhà ở dần được gọi rộng rãi bằng tên “khu tập thể”. Từ đây, loại hình nhà ở này đã tạo ra hẳn một cấu phần văn hóa trong diễn đàn truyền thông về Hà Nội.

Thời vàng son của “thiên đường trí thức”

Một năm sau ngày thống nhất đất nước, tiểu khu nhà ở Trung Tự được hoàn thành trên diện tích khoảng hơn 15 ha, san lấp từ những ruộng rau và ao hồ của làng Trung Tự. Khác với khu Kim Liên lân cận, khu mới này xây bằng hình thức tấm bê tông lắp ghép gồm 21 nhà 5 tầng có tổng diện tích sàn 32.745m2. Mỗi tòa có 30 - 100 căn hộ 25 - 27m2, đón nhận 1.260 hộ gia đình với 1 vạn người sinh sống (Hà Nội làm xong khu nhà ở mới - Vũ Khiêm, Nhân Dân 13.12.1976). Một phần của tiểu khu được dùng làm nơi ở của nhân viên một số phái đoàn ngoại giao, cho đến khi khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc được xây dựng năm 1988, điều đó nói lên tiêu chuẩn của khu nhà ở này đáp ứng phần nào mặt bằng quốc tế.

Bản thân thiết kế của các khu nhà ở cũng có sự tiến hóa theo thời gian. Năm 1979, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, với dự kiến xây các đô thị vệ tinh, và do đó có hẳn một số lý thuyết quy hoạch: “Những năm trước đây, thành phố ta đã xây dựng nhà ở và các công trình khác theo điểm, nghĩa là tận dụng những mảnh đất còn lại ở bất kỳ nơi nào trong thành phố để xây dựng những công trình mới như khu nhà ở phố Trần Quốc Toản, Bưu điện Bờ Hồ, Nhà Văn hóa Thiếu nhi… Ta cũng đã xây dựng tập trung một số khu nhà ở theo diện, nằm rải rác trong thành phố với một diện tích khá lớn như ở Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công…

“Thủ đô trên đà xây dựng”, Hà Nội Mới 12.1.1979.

“Thủ đô trên đà xây dựng”, Hà Nội Mới 12.1.1979.

Từ năm nay, bước vào thực hiện kế hoạch xây dựng thủ đô mới, chúng ta tiến hành xây dựng theo tuyến” (Nhà ở và thành phố tương lai - Quốc Anh, Hà Nội Mới Tết Kỷ Mùi 1979). Bài báo giới thiệu tuyến đường 6 (Nguyễn Trãi hiện nay) như điển hình của quy hoạch tuyến này, với dự kiến sẽ có khoảng một chục tiểu khu nhà ở, ước định phân phối cho 12.500 người ở với tiêu chuẩn 6m2/người.

Cách thức sống mới đòi hỏi một sự kết nối cộng đồng cao độ, thậm chí việc tổng vệ sinh cũng có chấm điểm thi đua giữa các gia đình. Tinh thần gắn kết cộng đồng của khu tập thể tìm được chỗ đứng trong một xã hội còn giữ các tập tục gắn bó làng xã, bên cạnh yếu tố “công xã” theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Hai nếp sống mang tính tập thể cao đó đan bện với nhau tạo ra một hình thái nhà tập thể đặc thù cho một giai đoạn.

Những chủ nhân của các căn hộ tập thể được khắc họa ra sao? Trong truyện ngắn Bà tôi (tập truyện Bến tàu trong thành phố, 1982), Xuân Quỳnh mượn lời hàng xóm nhận xét về một gia đình ở khu tập thể: “Bà cụ ấy là đàng hoàng lắm. Con giai, con dâu đều là cán bộ cả, gia đình hòa thuận. Cụ ấy thương con quý cháu. Vả lại ông con giai duy nhất, bố thằng Minh ấy, đời nào để cho bà cụ đi bán bỏng như vậy. Cụ gần tám mươi tuổi rồi còn gì”. Lời hàng xóm có thể diễn giải cái nhìn của cư dân về người sống ở khu tập thể theo những khuôn mẫu - “đều là cán bộ cả, gia đình hòa thuận”. Nhà tập thể dường như là phép ẩn dụ cho một thế giới kiểu mẫu, mà những người xuất thân nông thôn hay “lạc hậu” ngưỡng mộ:

Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

(Lê Đình Cảnh, Mẹ ra Hà Nội)

Thậm chí người có xuất thân gia đình nghệ sĩ nổi tiếng như diễn viên Lê Vân, cũng choáng ngợp với sự mới mẻ hiện đại của một căn hộ khu tập thể lắp ghép của người tình đầu tiên: “Khi chúng tôi mới quen nhau, anh chủ động mời tôi đến nhà chơi... Cuối những năm bảy mươi, khi tất cả còn phải sống chui rúc hàng trăm người chung một nhà xí, thì một căn hộ với phòng khách riêng, phòng ngủ riêng, một nhà tắm với vệ sinh riêng nhỏ xíu nhưng sạch sẽ là cả một niềm mơ ước. Hồi đó, sau giải phóng, nên trong nhà anh cũng đã thấy có kê một tủ lạnh, một đàn piano, những kệ sách chất đầy sách gợi ra cả một thiên đường trí thức… Cuộc sống của anh lúc ấy có một cái gì đó rất khác với kiểu sống xô bồ tạp nham của những gia đình nghệ sĩ tôi từng gặp. Anh không giàu nhưng rõ ràng anh ở một đẳng cấp khác, một tầng văn hóa khác” (tự truyện Lê Vân - Yêu và sống, 2006).

Lê Vân dùng từ “choáng ngợp” để mô tả cảm giác trước khung cảnh gia đình người tình, thậm chí có ý định đăng ký kết hôn để được phân phối nhà, vì “thời đó, người ta không cấp nhà cho người độc thân”. Vẻ lãng mạn của các khu nhà ở tập thể đã thành một “ánh đèn hoa sáng ngời” thuyết phục con người vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nhiều bế tắc. Bên cạnh việc tạo ra một lực đẩy kinh tế, sự thay da đổi thịt nhìn thấy bằng mắt thường có tác dụng khích lệ to lớn.

Khu Thanh Xuân thập niên 1980. Ảnh: TLST

Khu Thanh Xuân thập niên 1980. Ảnh: TLST

Sự hiện diện của những công trình trong đường chân trời thành phố có lẽ tựa như một giấc mơ đầy tính vị lai khi được phụ trợ bằng không khí sôi nổi của những bài hát tuyên truyền, nơi niềm vui của những người thợ xây hòa với niềm vui của “những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong” (Bài ca xây dựng - Hoàng Vân, 1973); “Xây dựng thủ đô ngày càng tươi sáng. Vui những tổ ấm sáng chói ánh đèn cao” (Cô thợ nề thủ đô - Lưu Bách Thụ, 1974); “Này bạn ơi trên tầng cao hôm nay tự hỏi, thành thợ xây của Hà Nội, từ tập thể Văn Chương, từ Ba Đình, từ Mai Dịch, Mai Hương… Đứng trên giàn giáo, ban mai nắng chào” (Cô thợ xây còn nhớ - Văn Chung, Ngọc Khuyến, 1974). Lời bài hát sau cùng nhắc đến một loạt tên khu tập thể Hà Nội, trên thực địa như một vành đai bao quanh thành phố. Một nhà thơ nữ đã viết về hạnh phúc gia đình trí thức trong khung cảnh khu tập thể Giảng Võ, nơi có tòa nhà cao nhất Hà Nội thập niên 1980 là khách sạn Thăng Long: Đêm êm như trong mơ/ Anh bên em như xa/ Mười một tầng cao ánh đèn chớp nhẹ (Miên Thảo, Hồ trong phố).

Vẻ đẹp trí thức của những khu nhà chung được Lưu Quang Vũ đưa vào những vở kịch của mình như Người tốt nhà số 5 (1984), kể về một trí thức trẻ chuyên theo đuổi nguyên tắc làm việc tốt cho mọi người nhưng vấp phải những trớ trêu của lối sống đèn nhà ai nhà nấy rạng, khác xa với những lý tưởng ban đầu của các nhà hoạch định nhà tập thể.

Đoạn kết cuộc tình

Nhưng khu tập thể cũng đồng hành với thực trạng đời sống kinh tế. Lê Vân đã nhận ra, không gian của “thiên đường trí thức” mà cô ngưỡng mộ cũng che đậy những vấn đề không khác gì những ngôi nhà cũ cô đã biết.

Sự xuống cấp của nền kinh tế được hiển thị qua sự xuống cấp của các khu nhà ở, hiện diện nhiều phần méo mó qua những trang viết sắc cạnh thời đổi mới: “Mỗi tầng cầu thang có bốn căn hộ, được bao cấp được chiếm đoạt xâu xé như nhau, quây thành hình hai cái thước thợ như thế này. Tôi ở trong một cái hộp diêm méo mó, đồ đạc để thẳng mà nghiêng... Người ta sẵn nghĩ, ở thành phố này, nhà tập thể là một cái gì chồng đống, người xe chó lợn guốc dép và các thiếu nữ của tờ lịch giẫm đạp lên nhau mà sinh tồn” (Phạm Thị Hoài, Marie Sến, 1996).

Điều gì đến đã phải đến. Một thống kê nghiên cứu đô thị cho biết, nếu như trước 1986, xây dựng và cung cấp nhà ở là độc quyền của nhà nước thì trong vòng 10 năm đổi mới, tình hình đã khác hẳn. Theo số liệu của Sở Nhà đất Hà Nội, trong vòng 5 năm (1991-1995), số nhà ở mới do khu vực nhà nước xây nên (với chủ đạo là nhà tập thể) chỉ chiếm 30%, thậm chí từ 1994 trở đi xuống dưới 16% tổng diện tích nhà ở mới xây.

Cũng chính những chủ nhân các căn hộ tập thể, vốn là thành phần ưu tú của xã hội, đã tiếp sức cho sự biến dạng của chúng. Một nghiên cứu thực địa cho biết, căn hộ tầng một khu tập thể có diện tích 24m2 được cấp vào năm 1980 cho người vợ vốn là thợ dệt xuất sắc của nhà máy Dệt 8.3, sau 13 năm thì hai vợ chồng đều là “cán bộ cao cấp của nhà nước, hiểu biết các chính sách luật lệ về nhà đất, từ năm 1993 đã tự ý mở rộng thêm một căn phòng rộng 20m2 phía trước căn hộ”. Gia đình tự nguyện nộp phạt để được “tồn tại”, với câu trả lời: “Biết cơi nới thêm như vậy là không đúng song thấy mọi người trong khu đều làm, nên gia đình cũng làm theo” (Đức Nhân, Sản xuất đô thị khu vực nhà ở tư nhân tại Hà Nội, 2001).

Giờ đây, diện mạo của các khu tập thể đã biến dạng quá xa ban đầu. Hai thập niên đầu thế kỷ XXI, sự đòi hỏi thay thế các khu tập thể cũ đã đưa đến giải pháp của các chung cư cao tầng và khu đô thị mới. Gần nhất, một dự án cải tạo tại chỗ khu Trung Tự với chiều cao lên đến 48 tầng với một cam kết “không thay đổi mật độ dân cư”, thậm chí số dân chỉ là 8.200 so với 1 vạn của năm 1975. Đây quả là một điều gây ngạc nhiên và thậm chí khó tin.

Nếu thập niên 1970 “xây cho nhà cao, cao mãi” là một khát vọng thì nửa thế kỷ sau, chiều cao có thể khiến người ta e dè và dẫn đến những câu hỏi không bao giờ chấm dứt.

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/anh-den-hoa-tren-tang-tap-the-cu-43542.html