Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên quê hương Cao Bằng (kỳ 2)
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ với nhiều bằng khen, huân huy chương được treo trang trọng nhất ở xóm Bản Vươn - Hàng Chấu, xã Cai Bộ (Quảng Hòa), Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Trọng Thập (75 tuổi) chậm rãi kể về những tháng năm gian khó nhưng đầy huy hoàng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Lào.
Ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Trọng Thập trên đất bạn Lào
Lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc
Năm 1969, khi vừa tốt nghiệp lớp 7 và có giấy gọi học Trường Trung cấp Thống kê (Hà Nội), với lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ, “lời Tổ quốc gọi” thôi thúc người thanh niên Trịnh Trọng Thập tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Trải qua huấn luyện quân sự gần 3 tháng tại Tân Yên (Bắc Giang), thuộc Đại đội 3, Sư đoàn 304B bộ binh, tháng 12/1969, đơn vị của ông được lệnh hành quân ra mặt trận, với phương châm “đi nhanh, đến đủ, an toàn, bí mật”. Từ ngã ba Diễn Châu (Nghệ An), hành quân cấp tốc theo đường 7 sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Biên chế C11, D3, E174, đơn vị của ông vào chiến đấu ở Bản Ban, Nặm Mật (Lào). Tại đây, địch mở chiến dịch Ma Phương, Phụ Khá để phá vây ép với hơn 56 tiểu đoàn phản kích quân ta. Ngày 25/12/1969, phát hiện máy bay địch thả hơn 20 tên lính nhảy dù nhằm củng cố lực lượng và tiếp tế. Theo lệnh của cấp trên, ông Thập khi đó phải chớp lấy thời cơ phá tan kế hoạch của địch.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Trọng Thập (thứ 7 hàng đầu từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhấp ngụm trà thơm,ông Thập kể trận đầu với câu chuyện ần đầu tiên ra trận được đại đội giao nhiệm vụ giữ khẩu súng B41, phải tìm địa thế phù hợp để kê súng, tôi lo lắng nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến đơn vị, cục diện cuộc chiến. Được chỉ huy động viên “Thập ơi, cứ bắn đi, chúng ta sẽ thắng!”, quan sát xung quanh thấy đồng đội ai nấy đều đang nắm chắc tay súng mặc cho đạn pháo nổ ầm ầm quanh mình, tôi nhanh chóng nhằm hướng quân thù bắn. Sau khi tôi nổ súng, đạn bay vào khu tập trung của địch làm 5 tên chết ngay tại chỗ và khoảng 7, 8 tên bị thương, đồng thời phá hủy khối hàng hóa chúng vừa thả xuống. Toàn đơn vị nổ súng quyết liệt mặc cho đạn pháo địch cày nát xung quanh, dồn sức tiêu hao sinh lực địch, làm cho kế hoạch tăng quân, tiếp vận của chúng bị thất bại hoàn toàn. Lần đầu ra quân cùng đồng đội giành thắng lợi nhanh chóng, đảm bảo, an toàn cảm giác khi đó của tôi thật sung sướng. Với những chiến công đã ghi được trong cuộc chiến ở Ma Phương, Phụ Khá, Binh nhì Trịnh Trọng Thập được phong vượt bật lên Hạ sĩ, đồng thời được trao Huân chương Chiến công hạng Ba.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Những năm 1970 - 1971, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Ðông Dương. Tháng 1/1970, theo đà của chiến dịch, toàn mặt trận tiến công mạnh ở mọi nơi khiến địch phải bỏ căn cứ tháo chạy, đơn vị của ông Thập ngày đêm truy kích nhằm tiêu hao sinh lực địch. Đến tháng 2/1970, theo lệnh chỉ huy của cấp trên, đơn vị được lệnh truy kích toàn bộ địch vào tuyến trong, đánh địch ở khu vực trung gian khu 5 bản, khu 2 nhà và bên kia sông Nậm Ngừm. Khi cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ truy kích thì phát hiện địch tập trung trong bản nấu ăn. Chớp lấy thời cơ, ông Thập nhanh trí hội ý với tiểu đội nắm chắc tình hình địch và triển khai thế bao vây, chặn đánh, cả tiểu đội nhanh chóng tiêu diệt được 3 tên, thu toàn vũ khí trang bị và bảo toàn được lực lượng. Một tháng sau đó, Trịnh Trọng Thập được phong Tiểu đội trưởng.
Tháng 5/1970, theo yêu cầu của mặt trận, toàn đơn vị rút ra làm nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm các chốt 1600, 1703, 1723 ở khu vực Bản Na. Trên các chốt cao điểm, cuộc chiến đấu giữa quân ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, gây ra nhiều thương vong cho đôi bên, nhưng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cán bộ, chiến sĩ kiên cường chiến đấu đến cùng. Tại đây, Tiểu đội trưởng Trịnh Trọng Thập vinh dự, tự hào được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trong chiến đấu. Theo dòng hồi tưởng, ông chia sẻ: Lương thực cạn kiệt, chúng tôi phải tìm cây khoai dại, cây tàu bay về ăn, người khỏe nhường lương khô lại cho những anh em bị ốm, sốt rét, có những lúc một miếng lương khô chia cho 4 người. Do lâu ngày không được tắm, râu tóc dài rậm, nhiều người chấy rận bám đầy ngứa ngáy, bụng thì cồn cào. Có những khi thèm một điếu thuốc quá, anh em tìm hái vỏ cây sặt cuốn vào giấy bọc lương khô, thay nhau mỗi người hút một hơi cho thỏa cơn thèm thuồng. Chiến tranh là vậy, gian khổ, khốc liệt, không tránh khỏi những phút xao động, nhớ nhà, nhớ người thân nhưng tình đồng đội, đồng chí và hơn cả là lòng yêu nước bất diệt đã thôi thúc những người lính Cụ Hồ kiên cường bám giữ mặt trận, thực hiện nghiêm lệnh chỉ huy và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao - ông Thập bùi ngùi nhớ lại.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Trọng Thập (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về ký ức hào hùng trong quân ngũ.
Ngày 14/10/1970, địch cử 2 tiểu đoàn với sự hỗ trợ của lực lượng không quân và pháo binh ào ạt tấn công lên chốt 1703 nam Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng. Từ 5 giờ sáng, địch tiến hành ném bom, nhiều đợt tấn công nã đạn pháo phủ đầu quân ta, cày nát công sự, hầm hào, hòng san bằng cứ điểm. Quyết tâm “’lấy ít địch nhiều”, Trung đội trưởng Trịnh Trọng Thập đã động viên, chỉ huy anh em gồm 6 người chiến đấu ngoan cường, đánh lui 7 đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa. Ngưng trong giây lát, ông Thập nói: Chiều cùng ngày, ta giữ được chốt rồi, quay lại nhìn anh em trong tiểu đội, mặt ai cũng đen nhẻm và nồng nặc mùi thuốc súng, băng bó vết thương cho 3 đồng chí và đưa vào vùng an toàn, tôi và anh em còn lại thu nhặt chiến lợi phẩm là lương thực, đạn dược, thuốc men của địch. Sau trận chiến ở cứ điểm 1703, Trịnh Trọng Thập được trao Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã chỉ huy chiến đấu và tiêu diệt hơn 200 tên địch, được toàn đơn vị phát động học tập.
Do tình hình thay đổi, đầu năm 1971, đơn vị nhận được lệnh đánh thọc sâu vào căn cứ của địch vùng núi Phu Bia nằm trên dãy Trường Sơn. Tiểu đội trưởng Trịnh Trọng Thập được giao nhiệm vụ trinh sát, thăm dò tình hình của địch nhằm tìm con đường ngắn, ít nguy hiểm để báo cáo với Ban chỉ huy nhanh chóng điều phối lực lượng vây ép và thu phục địch. Tháng 4/1971, trong trận đánh điểm cao 1663 nam sân bay Bản Na (điểm cao khống chế đường tiến công của ta vào Phu Mộc), ông đã mưu trí chỉ huy đơn vị vượt qua bom đạn dày đặc tiên phong đánh chiếm cửa mở, đánh thọc sâu vào trung khu địch trong thế giằng co quyết liệt. Trong trận đánh đó, ông bị thương và được đồng đội đưa về tuyến ngoài điều trị.
Sau thời gian trị thương, ông Trịnh Trọng Thập được được cấp trên cử đi học lái xe thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 959. Kết thúc khóa học được điều về Đại đội C25 Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 959, cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí trang bị, bộ đội chi viện cho chiến trường K (Lào) đúng thời gian, địa điểm, an toàn tuyệt đối và vận chuyển thương binh về tuyến sau để điều trị kịp thời. Ông nói: Giữ và bảo vệ an toàn cho xe luôn là ưu tiên số 1 bởi hàng hóa trên xe là những thứ mà chiến trường đang rất cần. Đường Trường Sơn gập ghềnh bởi bom cày đạn xới, những hố bom vừa mới kịp vá, thậm chí có chỗ còn chưa kịp san lấp; một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, địa hình hiểm trở, trong khi máy bay của địch được trang bị kỹ thuật tuyến hồng ngoại và vũ khí hạng nặng để "săn" xe của ta cả ngày lẫn đêm. Ngoài những bài học đã qua huấn luyện, lái xe phải dựa vào kinh nghiệm mà tính toán sự an toàn cho hàng, cho người. Khó khăn, gian khổ nhưng những chuyến xe chưa bao giờ dừng lại để tiếp sức cho chiến trường.

Những danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng cựu chiến binh Trịnh Trọng Thập.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào, cựu chiến binh Trịnh Trọng Thập nói riêng và bộ đội Trường Sơn nói chung đã hoàn thành xuất sắc vai trò là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa thành công chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Tạo thế và lực để cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Ngày 6/11/1978, ông Trịnh Trọng Thập được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hòa bình lập lại, Anh hùng Trịnh Trọng Thập tiếp tục cống hiến cho đất nước, đồng chí trải qua nhiều vị trí công tác: Trợ lý xe máy Bộ Tham mưu Sư đoàn 31; Phó ban, Trưởng Ban xe máy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung đoàn phó kỹ thuật Trung đoàn 750. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Nhà nước Lào tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; 3 lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ Quyết thắng”, 3 bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác. Về với đời thường nơi quê nhà, tiếp tục góp sức mình trong các hoạt động tại địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã; Bí thư Đảng ủy xã Cai Bộ đến khi nghỉ hưu năm 2000.
Bí thư Đảng ủy xã Cai Bộ Nông Vĩnh Nam khẳng định: Về với cuộc sống đời thường, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Trọng Thập luôn giữ vững và phát huy tốt bản chất truyền thống quân đội, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ." Ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, rèn luyện và noi theo.