Anh hùng Trần Văn Lai: Tận hiến cho mùa xuân thống nhất

Ai từng xem bộ phim 'Biệt động Sài Gòn' hẳn sẽ không quên hình ảnh Hoàng Sơn - ông chủ hãng sơn Đông Á điển trai và hào hoa. Song ít ai biết rằng, nguyên mẫu của nhân vật ấy chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Văn Lai – người chiến sĩ biệt động Sài Gòn mang mật danh 'thầy Năm USOM', còn được biết đến với cái tên Mai Hồng Quế, một tỷ phú giả danh hoạt động trong lòng địch.

Cuộc đời con người thật bước vào phim

Gần bốn thập kỷ trước (1986), bộ phim “Biệt động Sài Gòncủa đạo diễn Long Vân vừa ra mắt đã ngay lập tức chinh phục được trái tim khán giả cả nước. Điều nổi bật xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh những chiến sĩ biệt động gan dạ, mưu trí, “thoắt ẩn, thoắt hiện” trong chính sào huyệt của kẻ thù. Nhưng phía sau chiến công huyền thoại ấy là những khoảng lặng cảm động về tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử... trong đó câu chuyện tình của nhân vật Hoàng Sơn (ông chủ hãng sơn Đông Á), người cán bộ biệt động phải sống cuộc sống giả vợ chồng với đồng đội để hợp thức hóa “vỏ bọc” của một chiến sĩ tình báo làm rung động biết bao con tim, trở thành bản tình ca đẹp được ái mộ qua nhiều thế hệ...

Ông Trần Văn Lai (người đội mũ) đoàn tụ bên gia đình sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ông Trần Văn Lai (người đội mũ) đoàn tụ bên gia đình sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Nhân vật Hoàng Sơn ấy chính là hóa thân của AHLLVTND Trần Văn Lai. Theo các tài liệu, ông Lai sinh năm 1920 tại làng Đông Trì, xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương (Thái Bình), trong một gia đình hiếu học, thuộc dòng họ Trần Đông A – hậu duệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho, chữ Quốc ngữ tại làng Bo, quê ngoại.

Năm 13 tuổi, ông lên Hà Nội, được quan Án sát Phạm Gia Nùng nhận làm con nuôi. Từ năm 16 tuổi, Trần Văn Lai đã sớm được giác ngộ cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia đơn vị của Trung tướng Nguyễn Bình – Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam và giữ nhiều chức vụ trong các tổ chức cách mạng tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

Kỳ tích của người hùng biệt động

Tiếp chúng tôi tại bảo tàng do con trai mình đang quản lý mang tên “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại” (Trần Quang Khải, Quận 1, TP.HCM), bà Đặng Thị Thiệp xúc động kể về những ngày tháng chiến đấu ác liệt cùng chồng là Đại tá, AHLLVT nhân dân Trần Văn Lai.

Bà Thiệp kể, theo chỉ thị từ cấp trên, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động. Được tin cậy giao làm chủ thầu khoán, chịu trách nhiệm trang trí nội thất Dinh Độc Lập, nhờ các thương vụ làm ăn sau đó khiến Trần Văn Lai trở thành tỷ phú Mai Hồng Quế nổi tiếng đất Sài Gòn.

Ra vào thường xuyên Dinh Độc Lập, ông có điều kiện thuận lợi vẽ bản đồ chi tiết, cách bố phòng, lịch trình hoạt động tại Dinh, xây dựng cơ sở, đưa đón cán bộ vào thị sát tình hình, chuyển tiền vàng về phục vụ kháng chiến.

Để có một cuộc tấn công thẳng vào Dinh Độc Lập, ngay từ năm 1962, Trần Văn Lai bắt đầu chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong suốt 6 năm, ông âm thầm mua sắm, xây dựng các căn nhà và hầm vũ khí ở gần các mục tiêu chiến lược: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh...

Ông Trần Văn Lai, bà Đặng Thị Thiệp (cùng áo trắng) và đại diện Bộ tư lệnh Thành phố kiểm tra hầm chứa vũ khí trong căn nhà tại đường Võ Di Nguy, Tân Bình (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận), cuối năm 1967. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ông Trần Văn Lai, bà Đặng Thị Thiệp (cùng áo trắng) và đại diện Bộ tư lệnh Thành phố kiểm tra hầm chứa vũ khí trong căn nhà tại đường Võ Di Nguy, Tân Bình (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận), cuối năm 1967. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Với vỏ bọc là một gia đình tư sản giàu có, có bằng khen của vua Campuchia vì có công sửa chữa nâng cấp ngai vàng cho nhà vua, lại là nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập, nhân viên cơ quan viện trợ Mỹ (U.S.O.M) nên Trần Văn Lai được chính quyền ngụy tin cậy và nể trọng. Ông có thể dùng ô tô riêng của mình chở tài liệu và vũ khí trong thành phố Sài Gòn, thu thập được những tin tức quan trọng của chính quyền ngụy và quân đội Sài Gòn.

Khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, biết đây là một nhiệm vụ rất lớn và vô cùng gian khó nên ông đã bán hai căn biệt thự tại số 6 và 8 đường Tự Đức (nay là Nguyễn Thị Huỳnh, Q. Phú Nhuận), trích 800.000 đồng gửi nhà băng Trung Quốc để phục vụ kháng chiến (hiện vẫn còn tập séc của nhà băng Trung Quốc đề tên Mai Hồng Quế). Căn hầm vũ khí lớn nhất được đào tại số 287 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), gồm ba căn liền kề nhau (căn 68, 70, 72) chính là nơi cất giữ toàn bộ vũ khí cho các đợt tấn công vào đầu não của địch trong đêm Giao thừa năm 1968.

Trong không gian đặc quánh kỷ niệm, bà Thiệp kể, trước khi trận đánh lớn sắp diễn ra, ngày 30/12/1968, ông Lai trở về nhà từ chiều. Bà Thiệp lặng lẽ sắp xếp mọi thứ cho chồng. Trong lòng bà tràn ngập lo lắng, nhưng không dám khóc, chỉ sợ rằng nước mắt sẽ làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người ra trận. Có lẽ, ông cũng hiểu rằng cơ hội sống sót là rất mong manh. Sau này, bà tìm thấy một lá thư với vài câu thơ ông khéo léo để lại, nhắc nhở con cái phải trở về quê hương Thái Bình khi đất nước được giải phóng.

Một đời tận hiến

Sau Tết Mậu Thân 1968, ông bị lộ. Chính quyền Sài Gòn treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt được “thầy Năm USOM”. Ông trốn về Quảng Ngãi, mang tên giả Phạm Văn Sửu. Dù hai lần bị bắt giam năm 1970 và 1972, nhưng kẻ thù vẫn không biết danh tính thực sự của ông.

Sau ngày giải phóng, ông trở lại công tác trong lực lượng vũ trang, giữ nhiều vị trí tại Bộ Tư lệnh Thành phố. Ông được công nhận là Thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe. Năm 1981, ông nghỉ hưu.

Bà Đặng Thị Thiệp thăm lại kho vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Bà Đặng Thị Thiệp thăm lại kho vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Phải đến năm 2002, khi ông qua đời tại nhà riêng, người ta mới dần hiểu rõ thân phận thật của ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng. Đến năm 2015, Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì những cống hiến xuất sắc.

Giờ đây, tại căn nhà 287 Võ Văn Tần, con trai ông cùng gia đình mở bảo tàng “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại”. Bà Đặng Thị Thiệp – nay đã ngoài 80 tuổi – vẫn miệt mài giới thiệu cho du khách và thế hệ trẻ về những năm tháng hào hùng của lực lượng biệt động, về một người chồng bình dị nhưng phi thường. Bà bộc bạch, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lai trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, nhưng bà hiểu và tự hào về những gì ông đã làm. Có những lúc ông bị hiểu lầm theo phía địch, có quãng thời gian dài gia đình không biết ông đang ở đâu, làm gì, sống hay đã khuất, tất cả đều là những năm tháng không thể nào quên. “Sau ngần ấy năm, tôi không còn mong gì cho riêng mình. Chỉ muốn các con cháu biết rằng, có những người đã âm thầm hiến cả đời mình để đất nước có được mùa xuân thống nhất”, bà tâm sự.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/anh-hung-tran-van-lai-tan-hien-cho-mua-xuan-thong-nhat-10287584.html