Ánh sáng trong ta - Giải mã nỗi sợ hãi Kỳ 3: Nếu thất bại bạn sẽ mất tất cả
Tôi nhớ lần đầu tiên nhạc sĩ Lin-Manuel (người Mỹ gốc Puerto Rico) đến Nhà Trắng biểu diễn là vào buổi ứng tác thơ ca đầu tiên của chúng tôi năm 2009.
Biến nỗi sợ hãi thành “nhiên liệu tên lửa”
Lúc đó, cậu ấy hai mươi chín tuổi và mang vẻ mặt lộ rõ sự lo lắng. Cậu ấy đã nhanh chóng hoàn thành một ca khúc tự sáng tác để biểu diễn tại sự kiện của chúng tôi. Đó là tác phẩm mà về sau đã trở thành đoạn mở đầu của vở nhạc kịch thành công vang dội Hamilton, nhưng lúc bấy giờ Lin-Manuel chỉ mới bắt đầu sáng tác nó, cậu vẫn đang thử nghiệm và vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng thành công của vở diễn.
Đó là lần đầu tiên cậu đọc rap về Alexander Hamilton trước khán giả – mà theo cậu là một nhóm khán giả đặc biệt đáng sợ – và cậu không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Cậu ấy đã tự nhủ nếu màn trình diễn tối hôm đó không thành công, cậu có thể phải từ bỏ toàn bộ dự án sáng tác vở nhạc kịch.
Tôi muốn chỉ ra rằng suy nghĩ đó được hình thành từ tâm trí sợ hãi của cậu ấy. Đó là một thông điệp quen thuộc: bạn thất bại và bạn sẽ mất tất cả. Tâm trí sợ hãi thích xuất hiện trong những thời điểm căng thẳng tột độ và với một kế hoạch rõ ràng: nó muốn phản đối mọi thứ. Nó sẽ không bao giờ ủng hộ những hành động tự tin hoặc táo bạo của bất kỳ ai trong chúng ta.

Đêm đó, khi Lin-Manuel lên sân khấu giới thiệu bản thân cùng vở nhạc kịch mới ra đời của cậu ấy trước hai trăm con người ăn mặc sang trọng đang tập trung tại Phòng Đông, nỗi lo lắng của cậu ấy ngay lập tức dâng trào. Đôi mắt cậu bắt đầu đảo quanh. Cậu nói rằng cậu đang tìm kiếm các biển báo chỉ lối ra, phòng khi cần phải chạy trốn. Cậu ấy hơi lắp bắp và càng lúc càng hoảng hốt đến nỗi giọng của cậu trở nên cao vút bất thường.
Những gì xảy ra tiếp theo giống như một phần nhỏ của lịch sử. Cùng với nghệ sĩ dương cầm Alex Lacamoire, Lin-Manuel thể hiện một bài rap dài ba phút đầy lôi cuốn về những nhà lập quốc của Mỹ, khiến khán giả choáng ngợp với kỹ năng trình diễn rực lửa của cậu ấy và hình thức ca ngợi hoàn toàn mới mẻ này. Biểu diễn xong, cậu mỉm cười, vẫy tay và rời khỏi sân khấu, sau khi đã biến nỗi sợ hãi của cậu thành một điều gì đó thật sự khó quên, khiến khán giả chúng tôi kinh ngạc và không nói nên lời.
Những gì chúng tôi đã chứng kiến là cảnh tượng một người vượt lên trên nỗi lo lắng của mình. Cậu ấy đã làm điều đó thật ngoạn mục, và tôi nghĩ khoảnh khắc đó chứa đựng một thông điệp quan trọng về những thành tựu phi thường có thể xảy ra khi chúng ta tìm cách biến nỗi sợ hãi thành “nhiên liệu tên lửa”.
Có một điều hiển nhiên là nỗi lo lắng sẽ luôn đeo bám chúng ta bất cứ khi nào chúng ta tiếp cận những điều xa lạ hoặc vượt qua một giới hạn mới và cảm thấy bị đe dọa. Hãy nghĩ xem: Có ai mà không có chút sợ hãi vào ngày đầu tiên nhận công việc mới hay trong buổi hẹn hò đầu tiên? Có ai không cảm thấy choáng ngợp khi bước vào một căn phòng đầy người lạ hoặc khi đưa ra quan điểm công khai về một vấn đề quan trọng? Đó là những khoảnh khắc khó chịu mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Nhưng những khoảnh khắc đó cũng có thể khiến chúng ta phấn khích.
Vì sao ư? Vì chúng ta không biết những trải nghiệm mới lạ sẽ dẫn đến điều gì. Và biết đâu hành trình vượt qua những trải nghiệm này có thể giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Làm sao bạn có thể gặp được tri kỷ của mình nếu không tham gia buổi hẹn hò đó? Làm sao bạn có thể thăng tiến nếu không nhận công việc mới đó hoặc chuyển đến sống ở một thành phố mới? Những điều chưa biết ẩn chứa rất nhiều cơ hội. Nếu không chấp nhận rủi ro và không vượt qua một vài trở ngại, bạn đang tự tước đi cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Bạn không phải là quái vật
Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn hơi sốc khi biết rằng Barack và tôi đã đặt chân đến và sống trong Nhà Trắng suốt tám năm. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã làm được. Tin xấu là việc đó đã không giúp tôi xóa bỏ hoàn toàn cảm giác sợ hãi và nghi ngờ trong cuộc sống. Tin tốt là tôi không còn bị những suy nghĩ của chính mình đe dọa nữa.
Tôi tin rằng việc tìm hiểu tâm trí sợ hãi của bạn thật sự có ích. Vì sao? Chà, vì cảm giác sợ hãi sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bạn không thể đuổi nó đi. Nó ít nhiều đã ăn sâu vào tâm trí bạn và sẽ có mặt cùng bạn trên mọi sân khấu mà bạn đặt chân lên, trong mọi cuộc phỏng vấn xin việc mà bạn tham gia và trong mọi mối quan hệ mới mà bạn bước vào. Nó vẫn ở đó và nó sẽ không im lặng.
Tâm trí sợ hãi của bạn chính là bản năng tự vệ vốn có của bạn từ thời thơ ấu – là phản ứng tự nhiên khiến bạn phát khóc khi nghe tiếng sấm sét trong cơn dông bão – chỉ là bây giờ, cũng giống như bạn, nó cũng lớn hơn và trở nên phức tạp hơn. Và vì bạn đã nhiều lần buộc tâm trí sợ hãi của bạn trải qua những tình huống không thoải mái trong cuộc sống nên nó cũng khá khó chịu với bạn.
Về cơ bản thì tâm trí sợ hãi của bạn là một người bạn đời mà bạn không có chủ ý lựa chọn. Và rõ ràng là nó cũng không chọn bạn. Vì bạn tệ hại, bạn là kẻ thất bại, bạn không thông minh lắm và bạn không bao giờ làm đúng bất cứ điều gì. Vậy thì nghiêm túc mà nói, có lý do gì để khiến ai đó chọn bạn chứ?
Bạn có thấy những suy nghĩ này quen thuộc không? Tôi thì có.

Tôi đã sống với tâm trí sợ hãi của mình suốt năm mươi tám năm nay. Chúng tôi không hợp nhau. Nó làm tôi khó chịu. Nó thích thấy tôi yếu đuối. Nó cất giữ một tập tài liệu khổng lồ chứa quá nhiều lỗi lầm và sai sót mà tôi từng mắc phải, trong khi không ngừng tìm kiếm thêm bằng chứng về những thất bại của tôi. Nó ghét vẻ ngoài của tôi, mọi lúc và mọi nơi. Mỗi ngày, nó đều cố gắng nói với tôi rằng tôi không biết mình đang làm gì. Mỗi ngày, tôi cố gắng phản bác nó, hoặc ít nhất là lấn át nó bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Nhưng nó vẫn không biến mất.
Nó là mọi con quái vật mà tôi từng biết. Và nó cũng chính là tôi.
Tuy nhiên, theo thời gian, tôi dần chấp nhận sự hiện diện của nó. Nói chính xác thì tôi không hài lòng về điều đó, nhưng tôi thừa nhận rằng nó sống trong đầu tôi. Trên thực tế, tôi đã cấp quyền cho nó, chủ yếu vì điều này giúp tôi có thể dễ dàng hiểu nó hơn và do đó dễ giải mã tác động của nó hơn. Thay vì giả vờ như nó không tồn tại hoặc liên tục đấu tranh chống lại nó, tôi đã hiểu được tâm trí sợ hãi của mình cũng như cách nó hiểu về tôi. Chỉ riêng điều này thôi đã làm giảm sức mạnh của nó và khiến nó bớt ảnh hưởng đến tôi.
Tôi không dễ bị căng thẳng khi nó đột ngột xuất hiện nữa. Đối với tôi, tâm trí sợ hãi của tôi thường ồn ào nhưng nhìn chung là bất lực – giống như tiếng sấm mà không có sức mạnh hủy diệt của tia sét – và điều đó khiến nó trở nên vô hại.
Bất cứ khi nào tôi nghe thấy những lời tiêu cực và tự phê bình bắt đầu vang lên trong tâm trí mình, khi những nghi ngờ của tôi bắt đầu hình thành, tôi cố gắng dừng lại một lúc và gọi tên nó. Tôi đã tập giữ khoảng cách và giải quyết nỗi sợ hãi của mình bằng sự quen thuộc, chỉ chào nó bằng một cái nhún vai nửa-thân-thiện và một vài từ đơn giản: “Ồ, xin chào. Lại là bạn à. Cảm ơn vì đã xuất hiện, vì đã khiến tôi cảnh giác. Nhưng tôi hiểu bạn rồi. Đối với tôi, bạn không phải là quái vật”.
Theo Ánh sáng trong ta (The Light We Carry) của Michelle Obama.