Rắc bột kháng sinh lên vết bỏng, nguy cơ sốc phản vệ có thể gây tử vong
Bỏng là tai nạn thường gặp, nhưng nhiều người sơ cứu sai cách như rắc bột kháng sinh lên vết thương, có thể gây nhiễm trùng nặng hoặc sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, tai nạn bỏng là một trong những chấn thương phổ biến và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử trí đúng cách.
Bỏng nhẹ là chỉ có phần da ở lớp ngoài cùng bị bỏng. Biểu hiện bên ngoài thường thấy là lớp da chỗ bỏng bị cháy sém hoặc các nốt phỏng nước xuất hiện. Khi nốt phỏng vỡ, nền nốt phỏng có màu đỏ ửng, bệnh nhân cảm thấy đau rát. Thường thì sau 7-10 ngày, chỗ vết bỏng sẽ tự lành khi xuất hiện lớp biểu bì mới, da lành lặn không xuất hiện sẹo.
Tuy nhiên, nhiều người dân do thiếu hiểu biết đã áp dụng các phương pháp sơ cứu phản khoa học, đặc biệt là tự ý rắc bột thuốc kháng sinh lên vết bỏng, dẫn đến hậu quả nguy hiểm, thậm chí sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Bỏng là tai nạn thường gặp, nhưng nhiều người sơ cứu sai cách.
1. Có thể sốc phản vệ khi dùng kháng sinh dạng bột rắc lên vết bỏng
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, một trong những sai lầm thường gặp là rắc trực tiếp bột kháng sinh như ampicillin hoặc penicillin lên vết bỏng. Đã có trường hợp cấp cứu gần đây, bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng sau khi người nhà pha bột kháng sinh với nước đun sôi để nguội rồi bôi lên vùng bỏng do nước sôi. Chỉ vài phút sau, bệnh nhân nôn liên tục, ngưng thở, và khi vào viện đã rơi vào hôn mê sâu, suy gan, suy thận, phải chuyển tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Đây là minh chứng điển hình cho tình trạng sốc phản vệ do dùng thuốc không đúng chỉ định, phản ứng miễn dịch nghiêm trọng có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
2. Vết bỏng nhẹ không cần kháng sinh bôi trực tiếp
Với các trường hợp bỏng nhẹ hoặc bỏng nông (như bỏng nước sôi, cháy nắng, bỏng lửa thoáng qua), biểu hiện thường là nóng rát, phỏng nước, da đỏ. Nếu không có nhiễm trùng, vết bỏng có thể tự lành sau 7–10 ngày mà không để lại sẹo.
Trong giai đoạn này, việc bôi thuốc không đúng, đặc biệt là các loại bột kháng sinh, không những không giúp vết thương lành nhanh hơn, mà còn:
Gây kích ứng da, phản ứng viêm tại chỗ.
Ngăn cản cơ chế tự bảo vệ của cơ thể như bạch cầu, kháng thể đến vùng tổn thương.
Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng chéo hoặc sốc phản vệ.

Không tự ý rắc bột kháng sinh, kể cả lá hoặc các thuốc bột khác lên vết bỏng.
3. Lời khuyên khi xử trí vết bỏng đúng cách
- Khi bị bỏng nông, vết bỏng nhẹ, cần giữ cho vết thương được sạch sẽ, thoáng mát. Không tự ý rắc bột kháng sinh, kể cả lá hoặc các thuốc bột khác lên vết bỏng, đặc biệt khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu cần sát trùng vết thương, dùng dung dịch povidon iodin 10% để bôi sát trùng bên ngoài và để vết bỏng thoáng mát, không cần băng bó, vết thương sẽ tự liền.
- Đến cơ sở y tế nếu vết bỏng lan rộng, có phỏng nước lớn, hoặc có biểu hiện sưng, sốt, chảy dịch.
Bỏng là tổn thương nghiêm trọng, cần xử trí đúng cách và khoa học. Tự ý sử dụng kháng sinh không đúng liều, sai đường dùng có thể là "con dao hai lưỡi", gây hại nhiều hơn lợi. Hãy luôn thận trọng và tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi xử lý bất kỳ tổn thương nào trên da.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Đừng để cháy nắng làm hỏng da