Áo mới huyện cửa ngõ

Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; sự ủng hộ, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuần Giáo đã vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thành quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tuần Giáo là huyện cửa ngõ của tỉnh, cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 80km, có tổng diện tích tự nhiên 113.524ha với 18 xã, 1 thị trấn và 177 khối, bản. Toàn huyện có 18/19 xã khu vực III, 156/177 bản đặc biệt khó khăn; dân số trên 95.000 người, gồm 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.

Người dân xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) thu hoạch cà phê.

Người dân xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) thu hoạch cà phê.

Năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen về thiên tai, dịch bệnh, song thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 70 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt khá so với các địa phương khác của tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4,99%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 975,6 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 39.000 tấn; tổng đàn gia súc ước đạt 94.155 con, đàn gia cầm ước đạt 896.250 con. Toàn huyện có gần 1.300ha cây cao su; trồng mới, chăm sóc, bảo vệ 706ha cây ăn quả. Diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện đã tăng gấp hơn 4 lần từ gần 400ha lên trên 1.500ha. Đến nay toàn huyện có 5.913,7ha mắc ca.

Trồng cây mắc ca đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Tuần Giáo.

Trồng cây mắc ca đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Tuần Giáo.

Việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế vùng miền; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, huyện đã tích cực chỉ đạo các xã rà soát các sản phẩm đặc sản, chủ lực để xây dựng sản phẩm OCOP; tổ chức hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm OCOP đăng ký hàng năm. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP: 9 sản phẩm được công nhận, xếp hạng 3 sao; 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài huyện.
Cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn cũng là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội được huyện Tuần Giáo luôn chú trọng và triển khai quyết liệt. Đặc biệt tập trung thu hút các nguồn lực thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 10-NQ/HU về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại của huyện.
Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền các cấp vận hành đồng bộ; tổ chức bộ máy chính quyền được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được chú trọng. Nhờ đó năng lực thực tiễn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng nâng lên.
Ông Hà Cầm Hồng, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo chia sẻ: Thời gian tới huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả 2 khâu đột phá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị, dịch vụ đồng bộ theo hướng hiện đại. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hệ thống phân phối bán lẻ tới các khu vực vùng xa, vùng cao, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản hàng hóa cho nhân dân. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút đầu tư phát triển du lịch khu vực đèo Pha Đin, Tênh Phông, suối khoáng nóng Quài Cang thành các khu du lịch cấp tỉnh; tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng.
Tin rằng với tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị; khắc phục mọi khó khăn, phát huy lợi thế, tiềm năng, huyện Tuần Giáo đã và đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Khánh Biên

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/ao-moi-huyen-cua-ngo