EU dự kiến miễn thuế carbon xuyên biên giới cho phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu

Hơn 80% doanh nghiệp ở Liên minh châu Âu (EU) nằm trong diện bị áp thuế carbon xuyên biên giới sẽ được miễn trừ thuế này, theo các cải cách mới của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU.

Thuế carbon xuyên biên giới của EU hay còn gọi là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sẽ chính thức được áp dụng vào đầu năm 2026 đối với nhà nhập khẩu hàng hóa trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất, gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Kể từ đầu năm 2026, EU sẽ chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhắm vào hàng hóa nhập khẩu trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen. Ảnh: Bộ Công Thương

Kể từ đầu năm 2026, EU sẽ chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhắm vào hàng hóa nhập khẩu trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen. Ảnh: Bộ Công Thương

Trao đổi với tờ Financial Times hôm 6-2, Cao ủy khí hậu và thuế của EU Wopke Hoekstra cho biết, theo các đề xuất cải cách chính sách, hơn 80% doanh nghiệp nhập khẩu của EU bị ảnh hưởng bởi CBAM sẽ được miễn thuế carbon xuyên biên giới.

Điều này có nghĩa là khoảng 180.000 trong số 200.000 doanh nghiệp nhập khẩu ở EU chịu tác động của CBAM sẽ được miễn tuân thủ cơ chế này.

Ông Hoekstra nhấn mạnh, EU muốn tập trung áp dụng CBAM đối với những nhà nhập khẩu lớn nhất và miễn cho hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu khác chi phí tuân phủ và gánh nặng hành chính liên quan đến cơ chế này. Đây là một phần của nỗ lực của EU nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cồng kềnh và thúc đẩy sản lượng.

“Chỉ có chưa đến 20% các công ty nhập khẩu trong khối chịu trách nhiệm cho hơn 95% lượng khí thải nhà kính trong các sản phẩm nhập khẩu (liên quan đến CBAM)”, ông nói.

Vì vậy, việc miễn thuế carbon xuyên biên giới cho phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu quy mô nhỏ không làm suy yếu các mục tiêu khí hậu của EU. Sự điều chỉnh chính sách này cũng là để tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn cho nhiều công ty trong khối.

CBAM có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1-10-2023. Ban đầu, CBAM sẽ áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài 18 tháng, các nhà nhập khẩu của EU trong các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chưa bị áp thuế carbon cho các mặt hàng nhập khẩu liên quan nhưng sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 10- 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo.

Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu EU sẽ bị tính thuế carbon, tức phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM) để trả cho phần chênh lệch giữa giá phát thải carbon ở EU và ở những nước sản xuất những mặt hàng liên quan.

CBAM được thiết kế để giúp các công ty ở EU, vốn phải tuân thủ luật khí hậu nghiêm ngặt, không đối mặt với sự cạnh tranh bất công từ các nhà sản xuất bên ngoài khối. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, nhiều công ty châu Âu phàn nàn về việc điền các biểu mẫu phức tạp và tốn kém.

Vì ít nước bên ngoài EU có chương trình giao dịch khí thải hoặc tính toán hàm lượng carbon theo kiểu của EU nên cơ chế CBAM gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu của khối.

Một báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái cho thấy, chỉ có khoảng 10% trong số những nhà nhập khẩu ở Đức và Thụy Điển bị ảnh hưởng bởi CBAM báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu.

Các đối tác thương mại lớn của EU như Mỹ và Ấn Độ đã chỉ trích gay gắt CBAM, cơ chế đánh thuế carbon đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, các quan chức EU hy vọng, CBAM sẽ thúc đẩy các nước khác triển khai hệ thống giao dịch carbon riêng của khối. Có nghĩa là thay vì để Brussel thu tiền thuế carbon, các nước bên ngoài EU có thể tự thu tiền thuế này.

Để có hiệu lực, các cải cách mới nhất đối với CBAM cần phải được đa số nước thành viên EU và nghị sĩ của Nghị viện châu Âu thông qua.

Brussels đã cam kết cắt giảm thủ tục hành chính 25 % đối với doanh nghiệp lớn và 35% đối với doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư đồng thời thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn với Mỹ và Trung Quốc.

Năm nay, Cao ủy Khí hậu và thuế EU Wopke Hoekstra sẽ tiến hành đánh giá riêng về CBAM. Sau đó, cơ chế này có thể được mở rộng sang các lĩnh vực khác như thủy tinh, gốm sứ, bột giấy, giấy và các hóa chất sử dụng sản xuất hàng hóa.

Ngành công nghiệp thép của EU đang vận động hành lang để được miễn trừ thuế carbon xuyên biên giới đối với các sản phẩm sắt thép do EU sản xuất để xuất khẩu và chế biến ở nước ngoài, sau đó được nhập khẩu trở lại vào EU. Ngành này cũng muốn được miễn trừ thuế carbon xuyên biên giới đối với một số sản phẩm thép như dầm xây dựng và linh kiện máy bay.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-du-kien-mien-thue-carbon-xuyen-bien-gioi-cho-phan-lon-doanh-nghiep-nhap-khau/