Áo muốn gia nhập NATO khi nhận thấy nguy cơ ngày càng lớn từ Nga
Áo có thể từ bỏ chính sách trung lập và xúc tiến kế hoạch gia nhập NATO trong thời gian tới khi tình hình thế giới ngày càng bất ổn.

Chính phủ Áo sẵn sàng thảo luận về khả năng gia nhập NATO và từ bỏ vị thế trung lập của đất nước được ghi trong hiến pháp, thông tin này được tờ Deutsche Welle cho biết.

“Rõ ràng là chỉ trung lập thôi sẽ không bảo vệ được chúng ta. Trong bối cảnh tình hình an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn, Áo cần được bảo vệ nhờ các khoản đầu tư vào năng lực quốc phòng cũng như các mối quan hệ đối tác”.

Bà Meinl-Reisinger - Bộ trưởng Ngoại giao Áo đã đưa ra lời phát biểu như trên và ngay lập tức thu hút sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông trong và ngoài nước.

Như Ngoại trưởng Áo lưu ý, chính phủ sẵn sàng thảo luận công khai về tương lai chính sách an ninh và quốc phòng. Mặc dù hiện tại chưa có đa số trong quốc hội hoặc dân chúng ủng hộ việc gia nhập NATO, nhưng một cuộc thảo luận như vậy có thể rất hiệu quả.

Theo một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 3/2024, phần lớn người dân cho rằng năng lực phòng thủ của Áo còn yếu kém, mặc dù vậy tỷ lệ ủng hộ chính sách trung lập vẫn không thay đổi.

Khoảng 3/4 dân số tin rằng Áo chưa đủ khả năng chống lại sự xâm lược từ bên ngoài: 42% số người được hỏi trả lời "chắc chắn là không", 33% trả lời "có lẽ là không", ngoài ra 16% số người được hỏi không đồng ý với tuyên bố này và 9% không có ý kiến.

Đồng thời, đại đa số người dân (74%) tin rằng việc duy trì tình trạng trung lập như hiện nay sẽ tốt hơn nhiều cho an ninh của Áo so với việc gia nhập NATO.

Chỉ 14% số người được hỏi ủng hộ việc từ bỏ trung lập và gia nhập NATO, số còn lại vẫn chưa quyết định. Tỷ lệ ủng hộ trung lập vẫn ổn định, chỉ có những biến động nhỏ kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến toàn diện tại Ukraine.

Áo tuyên bố tình trạng trung lập vào năm 1955, khi quân Đồng minh và Liên Xô rút lui. Nước này giành lại độc lập, và một điều khoản về "trung lập vĩnh viễn" đã được ghi nhận trong hiến pháp.

Do tính trung lập và bởi luật pháp nước này chỉ cấm gián điệp khi hoạt động trên nhằm vào chính nước Áo chứ không phải các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác, nên thủ đô Vienne đã trở thành trung tâm gián điệp khét tiếng của Nga ở châu Âu.

Theo tờ Wall Street Journal, số lượng công chức Nga tại Áo đã tăng lên hơn 500 người trong giai đoạn 2022 - 2024. Hơn một nửa trong số họ là các nhà ngoại giao và nhân viên hành chính.

Tuy nhiên theo ước tính của Cơ quan tình báo Áo, có tới một nửa trong số họ là gián điệp, thường xuyên tiến hành tiến hành các hoạt động đặc biệt chống lại phương Tây.

Theo tình báo châu Âu và Mỹ, Vienne hiện là căn cứ cho các hoạt động bí mật của Nga, bao gồm tài trợ và hỗ trợ hậu cần, tuyển dụng trên khắp châu Âu, cũng như các hoạt động gián điệp công nghiệp và gây ảnh hưởng.

Các nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ Nga làm việc tại hơn 40 cơ sở tại thủ đô Áo, chịu sự quản lý của Moskva hoặc các cá nhân và công ty có liên hệ với nhà nước Nga. Thông thường, các tòa nhà này đều có thiết bị nghe lén vệ tinh trên mái.