Áp dụng chỉ số tổn thương đa chiều trong hỗ trợ tài chính: Nguồn lực mang lại sự đổi thay

Tình trạng dễ bị tổn thương trước những hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, bất ổn kinh tế-xã hội hay cú sốc chưa từng có như đại dịch Covid-19 là trở ngại đối với sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia đang phát triển. Do đó, việc đánh giá mức độ dễ bị tổn thương là rất cần thiết để giúp những nước này có cơ hội tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ trong nỗ lực phục hồi, vốn cũng chẳng mấy dễ dàng.

Người phụ nữ thu hoạch muối trong rừng ngập mặn ở Timor-Leste - một quốc đảo đang phát triển. (Ảnh: UNDP)

Người phụ nữ thu hoạch muối trong rừng ngập mặn ở Timor-Leste - một quốc đảo đang phát triển. (Ảnh: UNDP)

Các chỉ số như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người thường là thước đo để đánh giá tình trạng phát triển của quốc gia hay hạnh phúc của người dân. Việc phân bổ các nguồn tài chính ưu đãi cũng thường phụ thuộc những tiêu chí dựa trên các chỉ số này.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia dễ bị tổn thương không thể nhận hỗ trợ tài chính do không đáp ứng được các tiêu chí mà các tổ chức tài chính quốc tế đặt ra.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia dễ bị tổn thương không thể nhận hỗ trợ tài chính do không đáp ứng được các tiêu chí mà các tổ chức tài chính quốc tế đặt ra.

Các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) là những nước dễ bị tổn thương trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Dù vậy, SIDS lâu nay gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính lãi suất thấp để ứng phó và phục hồi sau thiên tai, cũng như đầu tư vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và trả nợ. Do đó, SIDS dẫn đầu trong các cuộc kêu gọi xây dựng một công cụ có khả năng đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương.

Sau nhiều năm thảo luận, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây nhất trí thông qua nghị quyết về việc thiết lập Chỉ số tổn thương đa chiều (MVI). Nghị quyết nêu rõ, MVI ban đầu do SIDS đề xuất thiết lập, song sẽ nhằm phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi về kinh tế, xã hội và môi trường trước các cú sốc của tất cả các nước đang phát triển.

Liên hợp quốc và một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin để xây dựng MVI. Những thông tin này liên quan tình trạng phụ thuộc nhập khẩu, khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và đại dịch, vấn đề người tị nạn, áp lực nhân khẩu học, tài nguyên nước và đất canh tác... của các quốc gia.

MVI được kỳ vọng sẽ phản ánh đầy đủ, chính xác những thách thức đa chiều mà SIDS, cũng như các quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt. Điều này sẽ giúp các nhà tài trợ có được đánh giá toàn diện hơn trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ tài chính. Khi những “lỗ hổng” trong hỗ trợ tài chính được lấp đi, nỗ lực giúp các quốc gia dễ bị tổn thương sẽ có mục tiêu rõ ràng và được thực hiện hiệu quả hơn.

Cùng với các chỉ số về mức độ phát triển kinh tế-xã hội, MVI sẽ tạo cơ sở để các quốc gia này có thể tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi, đáp ứng các nhu cầu phục hồi và phát triển trong tương lai.

Dù lưu ý việc áp dụng MVI mang tính tự nguyện, song nghị quyết kêu gọi các cơ quan của Liên hợp quốc và các ngân hàng phát triển đa phương xem xét bổ sung công cụ mới này vào các chính sách, kế hoạch hiện có. Cũng nhấn mạnh điều này, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này và các quốc gia thành viên mong muốn hỗ trợ triển khai MVI.

EU sẽ hợp tác với các đối tác nhằm bảo đảm rằng, những nhu cầu cụ thể của các nước đang phát triển được nhìn nhận và đáp ứng. EU cũng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với những đối tác dễ bị tổn thương, nhất là SIDS và các nước kém phát triển nhất (LDC), trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Đánh giá cao việc nghị quyết về MVI được thông qua, Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), Đại diện thường trực của Samoa tại Liên hợp quốc Pa’olelei Luteru bày tỏ hy vọng rằng, thành tựu mà khó khăn mới đạt được này sẽ không bị lãng quên.

Ông Luteru kêu gọi Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển và tổ chức tài chính quốc tế sớm thử nghiệm và áp dụng MVI. AOSIS cho rằng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

MỘC MIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-dung-chi-so-ton-thuong-da-chieu-trong-ho-tro-tai-chinh-nguon-luc-mang-lai-su-doi-thay-post825260.html