Áp dụng khoa học kỹ thuật hướng đến chăn nuôi an toàn bền vững ở Ý Yên

Trong nhiều năm qua, tình hình dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người chăn nuôi, đe dọa sức khỏe cộng đồng và vẫn đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đang là giải pháp hữu hiệu của huyện Ý Yên nhằm giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Nuôi gà siêu trứng tại Hợp tác xã Chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa.

Nuôi gà siêu trứng tại Hợp tác xã Chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Ý Yên đã chỉ đạo khai thác tiềm năng sẵn có, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất quan trọng với tổng đàn gồm trên 25,8 nghìn con lợn; gần 7.000 con trâu, bò; hơn 408,5 nghìn con gia cầm. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đồng thời khuyến khích người dân tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp, đất thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo thành các mô hình lúa - cá; trang trại, gia trại tổng hợp… Đến nay, hình thức chăn nuôi của huyện có bước chuyển biến rõ rệt, từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư hình thành các vùng chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, tạo điều kiện cho các hộ dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, quy trình chăn nuôi khép kín vào sản xuất, chuyển dần từ phương thức truyền thống sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn sinh học, vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, các trang trại, gia trại quan tâm đến công tác xử lý chất thải như áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, sử dụng hầm biogas…, tăng cường kiểm soát, chủ động phòng chống, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường. Đây được xem là định hướng phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp huyện.

Hiện nay, toàn huyện có 63 trang trại đạt tiêu chuẩn; trong đó có 6 trang trại nuôi gia cầm, 9 trang trại nuôi trâu, bò, 48 trang trại nuôi lợn. Có 4 cơ sở chăn nuôi được công nhận trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP, 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 1 mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Nhiều mô hình trang trại, gia trại hiệu quả của nông dân trong huyện đã được công nhận là mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và tiếp tục được các tổ chức hội, đoàn thể giới thiệu để hội viên học hỏi, nhân rộng. Điển hình như trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Cần ở xã Yên Thọ với quy mô diện tích 2ha, trong đó diện tích chăn nuôi hơn 1,35ha, là một trong những trang trại nuôi lợn VietGAHP đầu tiên của huyện. Trang trại được quy hoạch thành từng vùng với các dãy chuồng nuôi lợn, ao thả cá và vườn trồng cây các loại. Khu vực nuôi lợn được xây dựng theo công nghệ chuồng kín có quạt thông gió điều hòa tiểu khí hậu chuồng nuôi, duy trì thường xuyên nuôi trên 800 con lợn; dưới ao ông thả nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống trắm, trôi, chép, mè; trên vườn trồng các loại cây như bưởi, mít, đinh lăng, rau các loại… tạo thành mô hình VAC khép kín. Nguồn chất thải từ nuôi lợn được xử lý bằng hầm biogas để khai thác khí sinh học làm chất đốt, bã phân được xử lý tiếp tục dùng làm phân bón cây; vườn cây lại cung cấp cỏ để nuôi cá và các loại rau xanh cho gia đình sử dụng hàng ngày. Với phương thức sản xuất theo quy trình tuần hoàn, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn nhờ xoay vòng sản xuất, giảm chi phí đầu vào, doanh thu bình quân mỗi năm của gia đình ông Cần đạt trên 1 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện còn một số trang trại sản xuất hiệu quả khác như: trang trại tổng hợp của bà Nguyễn Thị Thướng, xã Yên Minh mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; mô hình trang trại liên kết nuôi thỏ thương phẩm của ông Đỗ Văn Bổng, xã Yên Lương quy mô 700-800 con thỏ thịt/lứa cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm; trang trại áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn của ông Nguyễn Văn Tiệp, xã Yên Thắng; trang trại nuôi gần 4.000 con gà đẻ trứng theo hướng VietGAHP của anh Nguyễn Hồng Phú, xã Yên Nghĩa… Không chỉ phát triển kinh tế bền vững, làm giàu chính đáng, tăng thu nhập cho gia đình từ vật nuôi, con giống, các chủ trang trại trên còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; là địa chỉ tham quan, rút kinh nghiệm thực tế cho các hộ nông dân khác học hỏi trực tiếp, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Để tiếp tục phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tái đàn lợn phù hợp với quy hoạch. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến tới các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định. Tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trong dịp nắng nóng và giai đoạn chuyển mùa. Tổ chức các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tác hại của dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202408/ap-dung-khoa-hoc-ky-thuathuong-den-chan-nuoi-an-toan-ben-vung-o-y-yen-6e4098d/