Áp lực lạm phát năm 2024 sẽ không quá lớn
Năm 2024, lạm phát trung bình cả được dự báo sẽ ở mức khoảng 3%. Ngoài ra, có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu; thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023...
Ngày 4/1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế; đại diện các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đó nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022. Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu tháng 12/2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra dự báo tổng thương mại toàn cầu năm 2023 giảm khoảng 5,0% so với năm 2022.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.
Cùng với đó, sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát... giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022; CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2019 đến 2022 nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm còn lại trong giai đoạn 2008 - 2023; Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với bình quân năm 2022...
Nhận định về diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, có thể chia thành 2 giai đoạn. Trong nửa đầu năm 2023 lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2% vào tháng 6/2023. Trong nửa sau của năm 2023 bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung.
TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, điểm đáng chú ý là CPI đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (tăng 0,88% trong tháng 8/2023 và 1,08% trong tháng 9/2023). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm, nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra khoảng 4,5%.
Dự báo về lạm phát năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, năm 2024 lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, do yếu tố kỹ thuật (lạm phát so với cùng kỳ tháng 12/2023 ở mức khá cao - 3,58%), nên lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3% (+/- 0,5%).
PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát đó là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực “nhập khẩu”; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Cùng với đó, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024. Đồng thời, Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
“Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi”, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ap-luc-lam-phat-nam-2024-se-khong-qua-lon-256270.html