Áp lực lớn, ngành Tài chính vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành Tài chính. Ông cho rằng, trong bối cảnh áp lực đối với ngành Tài chính là rất lớn, nhưng Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có dư địa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh tư liệu

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh tư liệu

PV: Nghị quyết 43/2022/QH15 với các chính sách đúng đắn, kịp thời và lộ trình bài bản đã mang đến “luồng sinh khí mới” cho kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của một chính sách được cho là khởi nguồn cho sự phục hồi ấn tượng?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Dưới ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế của chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp cũng như người dân.

Thời điểm vào cuối năm 2021, chúng ta cần phải có những giải pháp bên cạnh việc kiểm soát đại dịch. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vừa kiểm soát dịch bệnh đồng thời phải phục hồi kinh tế.

Đầu năm 2022, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm vừa kiểm soát dịch vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho người dân.

Đánh giá lại quá trình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 trong 2 năm 2022 - 2023 cho đến nay, đã có thành công nhất định.

Chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh không thuận lợi, ngành Tài chính đã cân đối được các khoản chi, chi đầu tư phát triển tăng cao, vừa lo miễn giảm thuế phí nên áp lực đối với ngành Tài chính là rất lớn. Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công giảm mạnh...

Chúng ta kiểm soát rất tốt dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 2021, kinh tế chỉ tăng trưởng 2,6% thì năm 2022 tăng trưởng 8,02% và 2023 đạt 5,05%. Quý I/2024, GDP đạt 5,66%. So với tốc độ tăng trưởng bình quân thế giới chỉ 3%, chúng ta đạt mức khá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Gói thứ 3 mà tôi nghĩ cần phải tiếp tục là hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, giúp cho học sinh, sinh viên mua sắm thiết bị máy vi tính học tập; hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội… Gói này cần tiếp tục triển khai hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Chính sách tiền tệ, mục tiêu kéo giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… đã thực hiện được. Nhưng giải pháp hỗ trợ lãi suất 2% không đạt mục tiêu, đạt 3,05% kế hoạch. Đây là tồn tại, bài học cần phải rút ra khi thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15.

Gói đầu tư đầu tư công khoảng 176.000 tỷ đồng, triển khai được cho trên 55 địa phương, trên 200 dự án đầu tư. Chúng ta đang tiếp tục nỗ lực để đưa các dự án đầu tư đó đi vào hoạt động, góp phần làm giảm chi phí logistics; hoàn thiện hạ tầng kết cấu hạ tầng giao thông.

Một số chỉ tiêu không đạt mong đợi như Quỹ dịch vụ viễn thông, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… hầu như không triển khai được, cần phải đúc kết để rút bài học kinh nghiệm.

PV: Gói hỗ trợ về tài khóa cũng đã làm nên những thành công nhất định khi triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15. Hỗ trợ về thuế là cần thiết, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cũng rất cần vốn, cần một môi trường kinh doanh thuận lợi với thể chế “dọn đường cho phát triển”. Ông nhận xét gì về điều này?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta thấy, bên cạnh những kết quả đạt được đáng trân quý thì chúng ta còn một số tồn tại, nhất là tình hình doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 20%. Cho nên phải có những chính sách đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Điều mà doanh nghiệp cần nhất chính là một thể chế, một môi trường thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Khi đó các thủ tục pháp lý phải nhanh chóng và nhẹ nhàng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ về thuế, phí như miễn, giảm, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và tiền thuê đất. Điều này chúng ta có thể làm được bởi những năm qua, mặc dù khó khăn nhưng nguồn thu ngân sách vẫn tăng; nợ công giảm xuống còn 37% GDP.

Chúng ta còn dư địa tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi thì sẽ có công ăn việc làm cho người dân.

PV: Trong bối cảnh không thuận lợi, ngành Tài chính liên tục thực hiện các gói tài khóa hỗ trợ, trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm. Trong các bài phát biểu của mình, ông đã rất chia sẻ, thấu hiểu khi ngành Tài chính vừa duy trì chính sách tài khóa mở rộng, vừa đảm bảo thu ngân sách đạt dự toán, có dư địa hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư phát triển?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Đúng là như vậy, trong bối cảnh không thuận lợi, ngành Tài chính đã cân đối được các khoản chi, chi đầu tư phát triển tăng cao, vừa lo miễn giảm thuế, phí nên áp lực đối với ngành Tài chính là rất lớn. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công giảm mạnh. Nợ công của Việt Nam năm 2023 vẫn ở mức bền vững, ổn định. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%.

Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Tổ chức Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Tập trung 3 động lực và 3 khâu đột phá

Đánh giá những thách thức trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua không thuận lợi, thậm chí bất lợi đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của kinh tế thế giới bình quân khoảng 3,8%, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 3%, có tổ chức đánh giá 2,7%. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 cũng không mấy sáng sủa.

"Với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, chúng ta phải tương thích với bất ổn, khó lường, khó dự báo. Nói như vậy để thấy kết quả đạt được năm 2023 là 5,05%, thấp hơn 2022 là 8,02% nhưng so với bối cảnh chung là đáng khích lệ. Tính bình quân 3 năm tăng 5,22% cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng khá, nhưng so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%) thì đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Việt Nam đến nay vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát nhưng đã có dấu hiệu cảnh báo, như: tỷ giá tăng, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, cần phải tăng cường kiểm soát và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Chính phủ cần tiếp tục tập trung 3 động lực và 3 khâu đột phá. 3 động lực đó là: xuất khẩu; đầu tư; tiêu dùng. 3 đột phá đó là: thể chế; hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-luc-lon-nganh-tai-chinh-van-dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-linh-hoat-hieu-qua-151605-151605.html