Áp lực rất lớn

Số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến hết tháng 5, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 148.284 tỷ đồng...

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Chỉ còn 6 tháng nữa là năm 2024 sẽ kết thúc nhưng hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rất thấp, thậm chí có 4 đơn vị tỷ lệ giải ngân bằng 0%, tạo áp lực rất lớn cho những tháng còn lại của năm.

Số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến hết tháng 5, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 148.284 tỷ đồng, chỉ bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp là TPHCM chỉ đạt 10,36%; Hưng Yên đạt 10,53%; Hải Dương đạt 11,86%; Phú Yên đạt 12,47%...

Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp có nhiều, nhưng đáng chú ý vẫn là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại nhiều địa phương còn chậm dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương vẫn còn các dự án đang triển khai thực hiện thi công nhưng vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu…

Những nguyên nhân này không phải hoàn toàn mới mà đã diễn ra từ lâu, cho dù như nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thì các giải pháp mà Chính phủ cũng như các địa phương thực hiện đã toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ thể chế, tới công tác chỉ đạo điều hành… Thế nhưng, đầu tư công có vô vàn tình huống phát sinh như điều chỉnh dự án, thay đổi cơ chế chính sách, giải pháp...

Những thay đổi này, theo ông Phương, một cơ quan không làm được mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là giải pháp để quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng. Và quan trọng hơn nữa chính là sự tự giác, quyết liệt của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong triển khai thi công.

Giải ngân vốn đầu tư công hầu như năm nào cũng luôn trong tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Năm nay cũng không ngoại lệ khi tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ đã phê bình 32 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương do có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước và 4 bộ, cơ quan Trung ương chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt; chủ động, hướng dẫn xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường kiểm tra các dự án, chấn chỉnh ngay tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định…, phấn đấu giải ngân theo đúng kế hoạch được giao.

Thúc đẩy đầu tư công được coi là một trong những công cụ chính sách quan trọng, nhằm tạo các tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế hồi phục, phát triển. Hỗ trợ, bù đắp cho đầu tư tư nhân khi chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, đầu tư công còn có ý nghĩa tạo dựng không gian, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Vậy nên, bên cạnh những giải pháp đã và đang được thực hiện, cần làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, có liên quan cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục giải ngân thuộc cơ quan nào. Đặc biệt, phải giải quyết triệt để tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ap-luc-rat-lon-post687975.html