Điểm chuẩn lớp 10 thấp: Hệ lụy từ phân luồng nửa vời và áp lực 'phải thi vào THPT'
Điểm chuẩn vào lớp 10 trường công lập tại nhiều tỉnh, thành năm 2025 giảm sâu chưa từng thấy. Có nơi, chỉ cần 3 điểm thí sinh cũng đủ đỗ. Thực trạng này không chỉ khiến dư luận bất ngờ mà còn dấy lên lo ngại về chất lượng giáo dục phổ thông và chính sách phân luồng đang lộ rõ nhiều bất cập.
“Vét” học sinh cho đủ chỉ tiêu
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên trên cả nước áp dụng thống nhất công thức tính điểm tuyển sinh: tổng điểm 3 môn: Toán, Ngữ văn và môn thứ ba, không nhân hệ số, tối đa 30 điểm.
Bất ngờ là, ở nhiều địa phương, hàng loạt trường công lập công bố mức điểm chuẩn thấp kỷ lục. Tại Đắk Lắk, Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ cũ) chỉ lấy 2,5 điểm cho nguyện vọng 1 - tức chưa đến 0,84 điểm/môn. Theo thống kê, 11/50 trường THPT tại tỉnh này lấy dưới 5 điểm. Ngay cả ở Hà Nội - địa phương có hệ thống giáo dục phát triển - cũng ghi nhận nhiều trường vùng ngoại thành chỉ lấy từ 10 - 13 điểm, tương đương trung bình 3 - 4 điểm/môn.

Kỳ tuyển sinh dần trở thành một cuộc "xét hoàn thành THCS", thay vì sàng lọc thực chất, chất lượng dạy - học khó đảm bảo
"Đây là hiện tượng rất đáng báo động. Chúng tôi bất ngờ và thực sự lo lắng. Với mức điểm như vậy, rất nhiều học sinh có nền tảng học lực yếu sẽ bước vào lớp 10" - thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội bày tỏ.
Thầy Tùng cho biết thêm, ngoài yếu tố đề thi năm nay có xu hướng đánh giá năng lực, tăng cường tính phân hóa, thì điểm số thấp còn phản ánh sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Nhiều nơi, nền tảng học lực học sinh chưa vững, gặp khó khi chuyển sang dạng đề mới, dẫn đến kết quả thi thấp.
"Khi chất lượng đầu vào giảm, áp lực dồn lên giáo viên là rất lớn. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp bội khi nền tảng học sinh yếu, trong khi đầu ra vẫn là thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học. Sự chênh lệch trình độ trong lớp học sẽ khiến việc dạy học trở nên khó khăn và kém hiệu quả" - thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: "Việc điểm chuẩn thấp bất thường không quá bất ngờ nếu nhìn trong bối cảnh tổng thể: quy mô học sinh sau THCS đang giảm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vẫn cao. Điều này dẫn đến tình trạng "thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển", đặc biệt ở khu vực miền núi, nông thôn".
Theo ông Khuyến, để đảm bảo duy trì lớp học và biên chế giáo viên, các trường buộc phải hạ điểm chuẩn đến mức tối đa, miễn là đủ học sinh nhập học. Nhưng khi kỳ tuyển sinh dần trở thành một cuộc "xét hoàn thành THCS", thay vì sàng lọc thực chất, thì hệ quả là chất lượng dạy - học bậc phổ thông khó lòng được đảm bảo.
"Phân luồng hiện nay chỉ mang tính định hướng, chưa đủ sức thuyết phục để học sinh và phụ huynh thay đổi quan niệm. Vì lo ngại học nghề sẽ mất cơ hội học tiếp, khó xin việc làm, hầu hết các em đều tìm cách vào THPT, dù học lực yếu". TS Lê Viết Khuyến lý giải.
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025. Đề cập đến kỳ thi vào trung học phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần thảo luận rất kỹ về vấn đề phân luồng học sinh và tổ chức cấp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất giải pháp để giảm áp lực thi vào trung học phổ thông.
Không ít giáo viên cũng đồng tình rằng, tuyển sinh lớp 10 đang mất đi tính chất chọn lọc. Nhiều trường tuyển sinh như "vơ vét" học sinh, chỉ để đủ chỉ tiêu, khiến đầu vào không phản ánh đúng năng lực thực tế. Dạy học trong lớp với học sinh chênh lệch trình độ quá xa là điều rất gian nan. Cả thầy và trò đều bị căng thẳng, áp lực kéo dài.
Giải pháp nào để đảm bảo chất lượng và phân luồng có hiệu quả?
Theo nhiều chuyên gia, căn nguyên sâu xa của tình trạng trên nằm ở chính sách phân luồng sau THCS chưa hiệu quả. Trong khi ở nhiều quốc gia tiên tiến, phân luồng nghề - học thuật đạt tỷ lệ 50 - 70% thì ở Việt Nam, con số này chỉ quanh mức 20%. Tức là, 4/5 học sinh sau THCS vẫn cố gắng thi vào lớp 10 bằng mọi giá. TS Khuyến cho biết: "Ở các nước, học sinh được phân thành hai hướng rõ ràng sau THCS: hoặc học tiếp lên THPT học thuật để vào đại học, hoặc chuyển sang trung cấp nghề. Học sinh vẫn được học văn hóa, vẫn có lộ trình học tiếp lên cao nếu muốn. Nhưng ở ta, học nghề vẫn bị xem nhẹ, hệ thống trung cấp chưa đủ hấp dẫn, khiến phụ huynh mất niềm tin và buộc tất cả học sinh vào con đường duy nhất là THPT”.
Để xử lý tận gốc vấn đề, theo thầy Trần Mạnh Tùng, trước tiên cần rà soát đề thi tuyển sinh lớp 10: xem xét tính phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, có phản ánh đúng năng lực học sinh hay không. Tiếp đó, đánh giá lại chất lượng dạy - học ở THCS, đặc biệt ở những nơi có điểm chuẩn quá thấp. Đồng thời, phải thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường trong cùng một địa phương bằng cách đầu tư giáo viên, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ.
Về phía chính sách, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: Phải làm lại toàn bộ hệ thống phân luồng. "Muốn phân luồng hiệu quả, cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường nghề chất lượng cao, xây dựng chương trình linh hoạt - học nghề nhưng vẫn có thể học tiếp. Đồng thời, truyền thông phải thay đổi nhận thức xã hội, giúp phụ huynh hiểu rằng học nghề không đồng nghĩa với bế tắc". Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể: học phí, học bổng, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp... để học sinh yên tâm lựa chọn. Nếu không, hiện tượng "ào ào vào lớp 10" dù năng lực không phù hợp sẽ còn tiếp diễn, dẫn đến lãng phí nguồn lực và kéo lùi chất lượng giáo dục. "Nếu tiếp tục như hiện nay, vài năm tới chúng ta sẽ đối mặt với một lực lượng lao động không được đào tạo bài bản. Trong khi các nước đã tiến tới phổ cập trung học bao gồm cả nghề, thì ta vẫn loay hoay phổ cập lớp 10 bằng mọi giá. Đây là một lựa chọn sai lầm" - TS Lê Viết Khuyến cảnh báo.
"Cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh lớp 10. Không nên chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất. Các địa phương có thể kết hợp xét học bạ, bài kiểm tra năng lực, thậm chí phỏng vấn - nếu đủ điều kiện để giảm áp lực và phản ánh đúng năng lực học sinh”. Thầy giáo Trần Mạnh Tùng khuyến nghị.
Câu chuyện điểm chuẩn lớp 10 chạm đáy không chỉ là một hiện tượng lạ mà là lời cảnh tỉnh rõ ràng về bất cập trong quy hoạch giáo dục, đặc biệt là khâu phân luồng sau THCS. Giải quyết tận gốc cần sự đồng bộ từ chính sách, nhận thức xã hội đến thực tiễn nhà trường. Phổ cập giáo dục là mục tiêu đúng đắn, nhưng không thể đánh đổi bằng chất lượng và niềm tin vào hệ thống giáo dục.