Áp lực thi cử có nằm ở số môn thi?
Việc phụ huynh quá kỳ vọng ở con cái và mong muốn đỗ trường công, lớp chọn là nguyên nhân chính tạo ra áp lực cho học sinh.
Những ngày này, tại Hà Nội vấn đề được đông đảo phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 10 quan tâm là liệu có thi môn thứ 4 hay không? Có băn khoăn này là bởi từ năm 2019, Hà Nội duy trì phương thức thi tuyển vào các trường THPT công lập với 4 môn thi gồm ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn được chọn trong những môn học còn lại, công bố vào cuối tháng 3 hằng năm. Nhưng trên thực tế chỉ có kỳ thi diễn ra năm 2019 và 2021 duy trì thi 4 môn và đều là môn Lịch sử.
Chính vì điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời nên việc thi 3 hay 4 môn lại đang được phụ huynh quan tâm, là câu chuyện đặt ra trên nhiều nhóm cha mẹ học sinh. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã cùng nhau đăng bức ảnh với nội dung phản đối thi môn thứ 4 lên các trang mạng xã hội để bày tỏ ý kiến của mình.
Không có thời gian “ngấm” kiến thức
Để hiểu rõ,
Người Đưa Tin
đã liên hệ với chị Ngọc Hoa là phụ huynh có con đang theo học tại quận Đống Đa, vị này cho biết: “Theo tôi thi 3 môn là phù hợp, trước kia chương trình cũ chỉ thi 2 môn trong một thời gian dài nhưng cũng không gây quá nhiều ảnh hưởng. Bây giờ để phù hợp hơn với nhu cầu học tập thì thi thêm tiếng Anh là đủ”.
Đưa ra quan điểm của mình theo chị Ngọc Hoa, nếu phải thi 4 môn các con phải học rất căng thẳng, nhất là khi đến thời điểm hiện tại các con vẫn chưa biết phương án thi năm nay là 3 hay 4 môn và là môn học nào để có sự chuẩn bị.
Kể về lịch học của con vị phụ huynh này chia sẻ: “Con tôi đi học kín thời gian từ 6h30 sáng đến 8h tối, về nhà ăn cơm xong vẫn tiếp tục học đến đêm mà bài tập vẫn không thể làm xong, đấy là hướng có 3 môn Toán, Văn, Anh. Tôi cũng không biết thi thêm một môn có đem lại hiệu quả gì hay không ? Nhưng trước mắt sẽ không còn thời gian để học tiếp”.
Ngoài việc học trên lớp, đi học ôn, các em học sinh cũng liên tục tham gia các cuộc thi khảo sát, thi thử để xem trình độ của mình ở đâu. Việc này chiếm rất nhiều thời gian, khiến học sinh chưa kịp “ngấm” kiến thức này đã có thêm kiến thức khác.
Một thực trạng khác cũng vẫn đang diễn ra mỗi mùa thi đến cuộc đua đi học thêm vì sợ không bằng các bạn. “Phần lớn các con trong lớp đều đăng ký 100% học câu lạc bộ do thầy cô giáo tổ chức. Ngoài mặt tốt cho con ôn kiến thức, nhưng cũng một số học sinh muốn chỉ học đủ trên lớp, hoặc học bên ngoài để phù hợp với bản thân nhưng lại e ngại là mình là thiểu số ở trong lớp”, chị Ngọc Hoa bày tỏ.
Về phía học sinh, chia sẻ với
Người Đưa Tin,
em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Thường Kiệt, Đống Đa vẫn mong muốn được thi 4 môn, theo em mặc dù phải ôn luyện nhiều hơn, nhưng đây cũng là cơ hội để học sinh có thể gỡ điểm, đặc biệt với các em không giỏi ngoại ngữ, “Em mong muốn sớm có phương án thi để có thể tập trung ôn luyện, nhiều địa phương khác đều đã công bố kết quả khiến em khá lo lắng, sốt ruột”, em Nguyễn Minh Thư cho biết.
Không có môn thứ 4, học sinh sẽ học lệch
Tuy nhiên quan điểm ở chiều ngược lại thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi nhiều năm nhận định rằng việc thi bao nhiêu môn không phải nguyên nhân chính gây ra áp lực thi cử.
Theo thầy giáo một trong những nguyên nhân chính gây áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ vọng quá lớn từ phía phụ huynh. Họ muốn con em mình phải đỗ vào trường công lập, trường chất lượng cao hoặc đứng đầu lớp.
Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay vẫn được dùng để đánh giá thành tích của thầy cô, trường THCS. Do đó, các thầy cô và nhà trường cũng tăng sức ép để bắt các con phải có kết quả tốt.
Nguyên nhân thứ 3 là do tâm lý phân biệt giữa trường công lập và trường dân lập, học chữ và học nghề vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của phụ huynh và phần đông xã hội. Thậm chí, rất nhiều em còn bị gia đình đặt kỳ vọng phải thi đỗ vào trường chuyên.
Mặt khác, theo thầy Nguyễn Khắc Ngọc phương thức xét tuyển của Hà Nội còn lạc hậu, hầu như không đổi, học sinh chỉ được đăng ký vài nguyện vọng, và điểm chuẩn của nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước, gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi, căng thẳng vì nếu đăng ký không hợp lý, học sinh có thể trượt hết các nguyện vọng.
Đối với câu hỏi tại sao phải thi 4 môn?
trả lời Người Đưa Tin
thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng: “Thi 4 môn đáp ứng đúng nhu cầu mà Sở GD&ĐT Hà Nội đặt ra để chống học lệch”.
Điều này xuất phát trong nhiều năm vừa qua, kết quả thi tốt nghiệp THPT phản ánh rõ học sinh Hà Nội xếp hạng rất thấp ở các môn học không phải ở Toán, Văn, Anh. “Học lệch duy trì ở rất nhiều năm, khiến cho học sinh mất gốc kiến thức ngay từ cấp 2 và gần như không thể học tốt được ở chương trình THPT, đây là thực tế giáo viên đều nhận thấy”, thầy Ngọc bày tỏ.
Hệ quả của câu chuyện này theo chuyên gia sẽ làm hạn chế lựa chọn nghề nghiệp của các em. Ngoài ra, việc học đều các môn học sẽ mang lại những kiến thức nền tảng phục vụ cho đời sống của các em sau này.
Trước nhiều ý kiến cho rằng khi sang đến THPT các em sẽ được lựa chọn các môn học vì vậy không thể bắt các em thi môn không chọn, thầy Nguyễn Khắc Ngọc cho rằng quan điểm này hoàn toàn không phù hợp.
“Ở Việt Nam chúng ta đã có tâm lý học để thi, chính bởi vì vậy ở bậc THPT các em học chọn môn nên càng cần phải học đều ở các lớp THCS. Nếu không sẽ có trường hợp có những môn các em sẽ không học cả ngay từ cấp 2. Học sinh không học vì vậy sẽ là khiếm khuyết hoàn toàn kiến thức cho các em”, thầy Ngọc đưa ra quan điểm.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ap-luc-thi-cu-co-nam-o-so-mon-thi-a594253.html