ASEAN duy trì đòn bẩy trong bối cảnh thương mại biến động

Mặc dù chỉ có quy mô nhỏ nhưng vai trò của ASEAN trở nên ngày càng quan trọng, được đánh giá là nút thắt không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu, vừa là trung tâm sản xuất, vừa là bên tham gia quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng công nghệ. Khu vực này đã thực sự nổi lên như một giải pháp thay thế khả thi cho các chuỗi cung ứng lâu đời, chuyển hướng một số hoạt động tập trung sản xuất toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Mô hình thương mại của ASEAN với các nền kinh tế lớn đang thay đổi, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này. Mặc dù các nền kinh tế châu Âu không nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong nhập khẩu từ ASEAN trong giai đoạn này, nhưng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của ASEAN vào Nhật Bản đã có sự gia tăng, đặc biệt là đối với các sản phẩm điện - điện tử, từ mức 13,79% vào năm 2016 lên đến 16,9% vào năm 2022. Nhìn chung, khu vực ASEAN có mối liên kết rất chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là mắt xích ngày càng quan trọng với tư cách vừa là liên kết phía trước (gắn với đầu vào) vừa là liên kết phía sau (gắn với đầu ra). Từ đó minh họa cho tầm quan trọng của khu vực và tạo động lực ngày càng tăng cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm ưu tiên mối quan hệ giữa các nền kinh tế phát triển.

Apple đa dạng hóa một số hoạt động sản xuất Macbook sang Việt Nam trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên máy tính xách tay của hãng này được sản xuất ở một nước khác ngoài Trung Quốc.

Apple đa dạng hóa một số hoạt động sản xuất Macbook sang Việt Nam trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên máy tính xách tay của hãng này được sản xuất ở một nước khác ngoài Trung Quốc.

Xét từ chỉ số Lợi thế so sánh biểu lộ (RCA), ASEAN rõ ràng là một lựa chọn để điều chỉnh lại chuỗi cung ứng nhằm “giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa”. Với chỉ số RCA lớn hơn 1, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã duy trì khả năng cạnh tranh về năng lực sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn và các thiết bị điện tử liên quan trong giai đoạn này, trong khi Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình nhờ vào tăng năng suất trong lĩnh vực này kể từ khi bắt đầu xảy ra tranh chấp thương mại. Với mức độ phức tạp và chuyên môn hóa cao dọc theo chuỗi giá trị công nghệ, hầu hết các xu hướng đa dạng hóa thương mại khi bắt đầu căng thẳng Mỹ - Trung đáng lẽ có thể tập trung vào các hoạt động thâm dụng lao động và sử dụng công nghệ thấp hơn ngay từ đầu. Tuy nhiên, xu thế có thể đang thay đổi khi ngay cả những nhà sản xuất thuộc phân khúc thị trường ngách như TSMC, công ty dẫn đầu toàn cầu về xưởng đúc bán dẫn, cũng nhận thấy nhu cầu phải đa dạng hóa từ chính nơi đăt trụ sở của họ là Đài Loan (Trung Quốc). Điều này có thể mang lại nhiều cơ hội về công nghệ cao cho các nước ASEAN vốn sở hữu năng lực nâng cao chuỗi giá trị, chẳng hạn như Singapore. Ngoài những sản phẩm này, các nước ASEAN có nguồn tài nguyên dồi dào như Indonesia và Malaysia cũng tự nhận thấy cần phải cạnh tranh trong việc cung cấp các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến năng lượng như khí đốt tự nhiên.

ASEAN có tầm quan trọng chiến lược về liên kết phía trước, liên kết phía sau và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ, đặc biệt là chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc + 1”. Như một tác động lan tỏa tích cực, việc tập trung nhiều hơn vào ASEAN như một khu vực quan trọng trong thương mại toàn cầu đã thúc đẩy việc xây dựng năng lực công nghiệp trong các lĩnh vực nhất định, từ đó dẫn đến sự chuyên môn hóa theo ngành và tăng cường phát triển kinh tế thông qua nâng cấp nguồn nhân lực và công nghệ. Do đó, từ quan điểm của ASEAN và các đối tác thương mại, việc tiếp tục tích cực gắn kết và duy trì tăng trưởng thương mại sẽ mang lại lợi ích chung. Lập trường này ngày càng được củng cố khi số người trả lời khảo sát trong Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore) năm 2023 cho rằng ASEAN là khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu đã tăng từ 15,5% trong năm 2022 lên 23,5% năm 2023.

Các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện - điện tử cũng đã có những động thái, muốn đẩy thêm hoạt động ở các nước ASEAN như một phần trong chiến lược tự bảo tồn của các doanh nghiệp này. Một số nhà sản xuất lớn trong lĩnh vực phần cứng máy tính đã công bố kế hoạch cụ thể nhằm đa dạng hóa. Trong tháng 1/2023, Dell đã công bố ý định chuyển dịch hoàn toàn dây chuyền sản xuất chip ra khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2024 và đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 20% sản lượng máy tính xách tay tại Việt Nam trong năm 2023. Tiếp theo đó, trong tháng 7/2023, HP cũng công bố rằng doanh nghiệp này đang làm việc với các nhà cung cấp để chuyển thêm hoạt động sản xuất máy tính xách tay tiêu dùng và thương mại sang Thái Lan và Mexico trong cùng năm, với ý định sơ bộ là chuyển một phần dây chuyền sản xuất này sang Việt Nam vào năm tiếp theo. Apple cũng đa dạng hóa một số hoạt động sản xuất Macbook sang Việt Nam trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên máy tính xách tay của hãng này được sản xuất ở một nước khác ngoài Trung Quốc. Malaysia cũng đã đạt được một số thắng lợi đáng kể khi Infineon Technologies thông báo rằng họ sẽ xây dựng Power Fab 200 mm SiC (Silicon carbide) lớn nhất thế giới tại nước này, cũng như Tesla cho biết ý định thành lập trụ sở tại Malaysia cuối năm 2023.

Một trong những thế mạnh của ASEAN là khối này đã có một số mối quan hệ chính thức bền chặt với một số nền kinh tế lớn ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ khối. Những nền tảng này được tạo ra nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư, góp phần tạo điều kiện cho hợp tác sâu hơn và có lẽ quan trọng hơn là giúp nâng tầm ASEAN trước các diễn biến toàn cầu mới nhất.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/asean-duy-tri-don-bay-trong-boi-canh-thuong-mai-bien-dong-i715871/