ASEAN - Một cộng đồng thống nhất trong đa dạng
ASEAN là một cộng đồng các dân cư ở khu vực Đông Nam Á với hàng trăm dân tộc khác nhau, vì thế phong tục, tập quán rất đa dạng, tạo nên một bức tranh đa sắc, rực rỡ.
Đồng thời, trong quá trình phát triển, các nước ASEAN từng chịu sự xâm lược của Anh, Mỹ, Pháp, và có lịch sử giao thoa giữa nhiều nền văn hóa đến từ các nước trong và ngoài khu vực, trong bối cảnh đó, các nền văn hóa khu vực không thể không bị ảnh hưởng và có cách tiếp ứng khác nhau.
Tuy nhiên, các nền văn hóa không bị biến đổi nhiều, nên đã tạo ra một thể văn hóa ASEAN vừa đa dạng, vừa độc đáo. Với đặc thù như vậy, để có thể tiến từ một Hiệp hội tập hợp các quốc gia khu vực đến một Cộng đồng liên kết các quốc gia, các xã hội trong khu vực, ASEAN đã lấy phương châm “thống nhất trong đa dạng” làm kim chỉ nam.
Sự đa dạng
Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Hoặc hiểu theo một cách thông thường khác: văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận... Tuy nhiên, theo khoa học lý luận, nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến với nghĩa rộng hơn nhiều, bao gồm tất cả mọi cấu thành trong đời sống con người. Theo đó, sự đa dạng trong văn hóa ASEAN cũng cần được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh.
Về ngôn ngữ, ở các quốc gia Đông Nam Á, hiện tồn tại hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Riêng ở Indonesia đã có đến 200 ngôn ngữ dân tộc cùng tồn tại; ở Myanmar là 135, Philippines là 80 ngôn ngữ dân tộc... Về chữ viết, trong lịch sử, một số dân tộc Đông Nam Á đã vay mượn chữ Hán và chữ Pali – Sanskrit để xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc mình. Sang thế kỷ XIII, các quốc gia Nam Đảo Malaysia, Indonesia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ viết Ả Rập. Từ thế kỷ XVI, do ảnh hưởng của phương Tây, chữ viết của một số quốc gia Đông Nam Á lại được chuyển đổi theo hướng La tinh hóa (chữ viết Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam) và được sử dụng đến ngày nay.
Về tín ngưỡng, tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á hết sức đa dạng, từ sùng bái tự nhiên (thờ cả hạc, rùa, rắn, voi, cá sấu,…), đến tín trọng phồn thực (thờ sinh thực khí; thờ nước, cầu mưa,…), và cúng bái người đã mất (thờ cúng tổ tiên, ông bà, thờ mẫu,…)…
Về tôn giáo, trong quá trình bị xâm lược và trở thành thuộc địa của các nước phương Tây, các nước Đông Nam Á dần bị ảnh hưởng bởi hai tôn giáo điển hình là đạo Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Đây là hai đạo giáo được nhiều người dân trong khu vực tin tưởng và sùng bái nhất. Ngoài ra, nhiều người Đông Nam Á còn theo những tôn giáo khác như Hồi giáo, đạo Tin Lành, Cao Đài, Ấn Độ giáo… Đồng thời, trong quá trình tiếp biến các tôn giáo này, các nước Đông Nam Á đã tiếp thu chọn lọc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa bản địa và văn hóa du nhập, tạo nên những bản sắc riêng. Do đó chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa Phật giáo ở Thái Lan, Myanmar, Lào với Phật giáo ở Ấn Độ; Nho giáo của Việt Nam khác với Nho giáo của Trung Quốc…
Về lễ hội, rất sôi động và đầy sắc màu dân tộc. Nếu như ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm với những du khách trên khắp thế giới nhờ hình ảnh gia đình quây quần, sum họp cùng thưởng thức những bữa ăn của năm mới và cả những mâm cỗ đầy đủ những món ăn đặc trưng Việt Nam thì các nước khác trong khu vực cũng có những lễ hội tiêu biểu mang ý nghĩa khác nhau, như lễ hội té nước của Thái Lan, lễ hội cúng dường của Myanmar, lễ hội hóa trang của Philippines, lễ hội ánh sáng Deepavali – Malaysia, lễ hội đua thuyền của Campuchia, lễ hội Giáng sinh Miền nhiệt đới – Singapore…
Những điểm chung
Tuy đa dạng, song các nền văn hóa ở khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều điểm chung, làm cơ sở cho sự thống nhất và đoàn kết ASEAN.
Thứ nhất, các nước Đông Nam Á có nét chung nhất là lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính và do vậy, văn hóa nông nghiệp là một trong những yếu tố gốc của văn hóa Đông Nam Á. Cũng do làm nông, sinh sống trong khu vực bị chi phối bởi hệ thống khí hậu nhiệt đới, gió mùa, các cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên những nền văn hóa tộc người và địa phương đa dạng, phong phú. Người dân khu vực sống chủ yếu bằng lúa gạo với hai hình thức canh tác: ruộng nước và nương rẫy, đồng thời thuần dưỡng trâu bò lấy sức kéo, chế tạo công cụ lao động và xây dựng hệ thống thủy lợi. Từ đó các cư dân có thói quen tập trung sinh sống tại các khu vực có nguồn nước, tạo nên đặc điểm quần cư thành những làng xóm. Giá trị gia đình, kính trọng người già, coi trọng tổ tiên, nguồn cội, xây dựng truyền thống cộng đồng bền chặt… trở thành đặc trưng chung cho văn hóa của các nước ở Đông Nam Á. Bản sắc đồng thuận của ASEAN cũng có nguồn gốc từ đây.
Thứ hai, do làm nông nghiệp và buổi sơ khai phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều nên quan điểm vạn vật hữu linh và tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên là tính ngưỡng phổ biến trong khu vực. Cũng do vậy, các lễ hội thường xuyên được tổ chức vào thời điểm đầu mùa vụ hoặc sau các vụ thu hoạch, trước hết để tế lễ thần linh phù hộ cho các mùa vụ bội thu, sau đó là để người dân vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Đây là khu vực đa dạng các hình thức trình diễn dân gian, âm nhạc truyền thống và các loại nhạc cụ rất gần gũi với thiên nhiên.
Thứ ba, đó là điểm tương đồng trong trang phục truyền thống (váy, khố, vòng đeo tai, vòng đeo cổ); mô hình bữa ăn (thức ăn chính là cơm, rau, cá và hoa quả); tục ăn hỏi trước khi tổ chức đám cưới linh đình; nghi lễ đám tang (chôn vật dụng theo người chết); tục nhuộm răng, ăn trầu; trò chơi dân gian (thả diều, thi chọi gà, bơi thuyền…).
Thứ tư, trong cách sinh hoạt, ngôi nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á là nhà sàn, là đình làng, là khu cộng đồng… nơi các cộng đồng dân cư thường tụ họp, sinh hoạt, giao lưu, gắn bó với nhau trong các ngôi nhà chung như thế này. Do vậy, tính cộng đồng đã thấm đẫm trong văn hóa của các nước ASEAN.
Mức độ liên kết
Sự gắn bó giữa các nước thành viên ASEAN với nhau được xây dựng trên 4 yếu tố. Một là, nhấn mạnh quyền bình đẳng và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Hai là, tăng cường tham vấn giữa các nước thành viên để tăng cường hiểu biết và tăng cường đồng thuận. Ba là, mở thêm nhiều khuôn khổ và cơ chế hợp tác với các đối tác bên ngoài, trong đó ASEAN luôn cố gắng có tiếng nói chung. Bốn là, tận dụng những điểm chung về văn hóa, truyền thống và lịch sử để thúc đẩy sự gắn kết giữa người dân với người dân
Đồng thời, cùng với sự phát triển kinh tế của khu vực, những giá trị văn hóa truyền thống tiến bộ của các nước ASEAN càng được chú trọng, phát huy, trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia và của cả khu vực. Đồng thời, bản thân ASEAN cũng dùng chính văn hóa làm công cụ để gắn kết các dân tộc, các quốc gia thành một cộng đồng văn hóa thống nhất, đa dạng và bản sắc.
Văn hóa và nghệ thuật là một trong những nền tảng quan trọng góp phần xây dựng nên Cộng đồng ASEAN, trên cơ sở giao lưu, tạo sự hiểu biết lẫn nhau. Do vậy, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đặc sắc về văn hóa, đoàn kết trong đa dạng để duy trì hòa binh, ổn định, cùng phát triển kinh tế và cùng thịnh vượng là bước tiến tất yếu. Đó cũng là cơ sở để xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa – xã hội.
Trong đó, riêng góc độ văn hóa, ASEAN cần tập trung vào 3 điểm: Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của các công dân ASEAN đối với xã hội và đóng góp của các công dân ASEAn đối với nền văn hóa ASEAN. Thứ hai, thúc đẩy sự hòa hợp và bình đẳng giữa các dân tộc ASEAN. Các dân tộc trong khi duy trì bản sắc văn hóa của mình phải tích cực đóng góp xây dựng bản sắc ASEAN, tăng cường sự thống nhất trong đa dạng văn hóa. Thứ ba, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ASEAN nhằm đảm bảo sự song hành, cân đối với sự phát triển đời sống vật chất.
Việc xây dựng bản sắc ASEAN cũng dựa trên 4 thành tố. Một là, tăng cường ý thức cộng đồng của các nước ASEAN. Hai là, khắc sâu phương cách ASEAN trong mọi bước tiến của tổ chức, đó là đồng thuận, tiệm tiến và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Ba là, đẩy mạnh liên kết với các khu vực khác nhưng luôn giữ vai trò chủ đạo và trọng tâm trong các liên kết này. Bốn là, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, tăng cường khả năng thích ứng với các vấn đề toàn cầu, và lấy sự đa dạng văn hóa làm bản sắc văn hóa độc đáo của khu vực.
Như vậy, việc gắn bó các nước thành viên với nhau và xây dựng bản sắc ASEAN, đều có điểm chung là tận dụng yếu tố văn hóa và phát huy sự đa dạng văn hóa của ASEAN để phát triển. Cũng vì vậy, trong Tầm nhìn ASEAN tới 2025, từ góc độ văn hóa và xã hội, ASEAN đã nhấn mạnh việc cần nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN.
Văn hóa vừa là thành tố quan trọng trong cuộc sống của 10 nước ASEAN vừa là mục tiêu xuyên suốt trong nỗ lực chung xây dựng một cộng đồng ASEAN, do đó văn hóa ASEAN cần đạt tới sự thống nhất cho: Một Tầm nhìn, Một Bản sắc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-mot-cong-dong-thong-nhat-trong-da-dang-197218.html