Atropine nhỏ mắt có làm chậm tiến triển cận thị ở trẻ em?

Với cận thị trên trẻ em thì điều phiền toái thường gặp với bản thân trẻ và cha mẹ là việc thường xuyên phải thay kính.

Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều trẻ cận thị có những giai đoạn tăng số quá nhanh, đặc biệt ở giai đoạn 11-13 tuổi. Một số phụ huynh đã tìm tòi thông tin trên mạng internet và tìm đến với thuốc atropine, với hy vọng loại thuốc này có thể làm giảm cận thị. Vậy thực hư thế nào?

Có thể làm chậm tiến triển của cận thị bằng atropine?

Một ngày nào đó, theo các nghiên cứu viên của Singapore, điều này có thể thực hiện được. Họ khám phá ra rằng dung dịch kinh điển atropine nồng độ thấp - loại thuốc thường được dùng để điều trị lác, viêm màng bồ đào... cũng có tác dụng với điều trị tật cận thị. Trong 5 năm tiến hành thử nghiệm lâm sàng dung dịch atropine 0,01% tỏ ra có tác dụng làm chậm đi tiến triển của cận thị trên 50% các trường hợp và hầu hết không gây tác dụng phụ.

BS. Donald T. Tan, Giáo sư nhãn khoa, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu và Viện Mắt Quốc gia Singapore cho biết, đã có một thời gian dài chúng tôi biết về tác dụng của dung dịch atropine phần nào đó giúp chống lại cận thị tiến triển. Các khám phá cũng gợi ý rằng loại thuốc này cũng là ứng cử viên tiềm tàng để trở thành phương thuốc điều trị hiệu quả chống lại trào lưu cận thị trên toàn thế giới.

Cùng với các can thiệp khác phương pháp điều trị trên có thể trở thành phương pháp dự phòng đối với giảm thị lực do cận thị cho trẻ em trên toàn thế giới - BS. Tan nhấn mạnh.

Cần có những nghiên cứu dài hơi hơn trong việc dùng atropin làm chậm cận thị ở trẻ em.

Cần có những nghiên cứu dài hơi hơn trong việc dùng atropin làm chậm cận thị ở trẻ em.

Thực hư atropine làm chậm cận thị như thế nào?

Từ năm 1920, các bác sĩ mắt dùng dung dịch atropine nhỏ mắt 1% để điều trị lác, nhược thị... Các bác sĩ mắt ở châu Á, nơi mà cận thị đang ở mức tồi tệ, bắt đầu nghiên cứu dùng atropine nhỏ mắt để làm chậm lại cận thị tiến triển từ những năm 80. Nhưng mãi đến năm 2000 vẫn chưa có những nghiên cứu nghiêm túc để đánh giá tác dụng và độ an toàn của loại thuốc này.

Khi được dùng ở nồng độ cao, atropine gây giãn đồng tử trong 1 tuần, do vậy gây các tác dụng phụ như nhìn mờ khi đọc sách, sợ ánh sáng. Trẻ đang đeo kính phải chuyển sang dùng kính 2 tròng hoặc kính màu, thêm nữa thuốc có thể gây kích ứng da. Chính những tác dụng phụ của thuốc làm người ta không ưa dùng atropine, đặc biệt là ở Mỹ.

“Những điều trẻ không muốn là đồng tử của chúng bị giãn, sợ sáng và không đọc được nữa nếu thiếu kính 2 tròng trong suốt thời ấu thơ thì theo những nghiên cứu gần đây nhất đã chứng tỏ nồng độ atropine thấp hơn gần như không có tác dụng phụ”, GS.TS. David Hunter, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Nhi Boston, Đại học Y Harvard nhận định.

Nghiên cứu với các nồng độ cao thấp khác nhau, trong thời gian tới 5 năm, nhóm của BS. Tan đã tìm ra nồng độ thấp nhất của atropine có tác dụng với cận thị qua các quãng thời gian. Đồng tử không bị giãn quá 1mm, gần như không bị mất thị lực nhìn gần, giúp cho đọc sách và nhìn vật tiêu gần không bị ảnh hưởng.

Lý do khiến atropine chưa dùng phổ biến

Hiện nay atropine 0,01% còn chưa phổ biến do:

Thuốc được các nhà khoa học ở châu Á nghiên cứu nhiều nhưng chưa được các bác sĩ khối Anh - Mỹ thử nghiệm do những tiêu chuẩn, hành lang pháp lý khác biệt. Tại Singapore, Đài Loan, Trung Quốc đã có nghiên cứu cỡ mẫu lớn - MetaAnalysis (hơn 1.000 người), ngược lại ở Mỹ mới có các nghiên cứu khoảng 100 người. Như vậy, về mặt chủng tộc, địa dư không thể cho ra khuyến cáo mạnh mẽ cho dù kết quả đầu ra đều đáng khích lệ. FDA chưa công nhận sản phẩm này nhưng vẫn cho thuốc lưu lành dưới dạng pha chế bóc nhãn - off label, cha mẹ bệnh nhân sẽ quyết định dùng hay không sau khi có tư vấn của bác sĩ mắt. Giá khoảng 75-85 USD/1 tháng điều trị.

Lứa tuổi để thử nghiệm thuốc là trong khoảng 5-11 tuổi, có tác giả chọn 6-12 vì trẻ dưới 5 tuổi nếu có cận thị không dùng atropine có thể can thiệp, còn ở tuổi hơn 12 cận thị vẫn tiến triển bình thường mà atropine không làm gì được. Thuốc chỉ hữu ích với cận thị trục (cận thị do trục nhãn cầu dài hơn bình thường). Như vậy, đây không phải là cứu tinh cho tất cả những ai đang cận thị hoặc có nguy cơ cận thị.

Tiêu chuẩn để chọn bệnh nhân thử nghiệm là mỗi năm trẻ đang tăng số cận 1D, phải dùng thuốc liên tục trong 2 năm. Tại điểm cuối của nghiên cứu có 80% bệnh nhân nhóm không dùng thuốc tăng số và 36% nhóm có dùng thuốc tăng số. Kết quả có ý nghĩa thống kê nhưng chưa mạnh mẽ lắm.

Phải dùng thuốc ít nhất 6 tháng mới có tác dụng, sau 2 năm là thời gian theo dõi trung bình của các nghiên cứu. Điều này cho thấy phải có các nghiên cứu dài hơi nữa. Phải dùng thuốc trong bao nhiêu lâu, sau khi dừng thuốc bao nhiêu lâu thì nguy cơ tái tăng số cận lại quay về... Hiện chưa có khuyến cáo nào trả lời được vấn đề này

Cần nghiên cứu thêm

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của atropine trong việc giảm nhẹ cận thị còn chưa được hiểu biết tường tận cho dù 2 cơ chế được nhắc đến lợi ích của nó, đó là: Atropine làm dày hắc mạc do tăng phóng thích dopamine và làm thay đổi gắn kết giữa thụ thể muscarinic với protenine G, làm thay đổi lưới sợi bào trên củng mạc.

Các chuyên gia cho rằng, cần xác định khi nào thì điều trị bằng sản phẩm này; độ an toàn của nó, và cần nhỏ trong bao nhiêu lâu thì có tác dụng... cần có thêm những nghiên cứu trên atropine với cận thị tiến triển tiến hành tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ để giúp trả lời những câu hỏi trên.

BS. Hoàng Cương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/atropine-nho-mat-co-lam-cham-tien-trien-can-thi-o-tre-em-n185318.html