Australia ít bị ảnh hưởng từ các hạn chế thương mại của Trung Quốc
Báo cáo ngân sách liên bang 2021-2022 của Australia cho biết nhiều mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc đã được chuyển hướng thành công sang các thị trường xuất khẩu khác.
Mặc dù căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất ngày càng gia tăng, Bộ Ngân khố Australia đánh giá các lệnh cấm của Trung Quốc đối với than và các sản phẩm nông nghiệp của nước này chỉ có tác động hạn chế đến sự phục hồi của Australia hậu đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo ngân sách liên bang 2021-2022 vừa được Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg công bố ngày 11/5, các biện pháp hạn chế thương mại của Trung Quốc đã có những tác động đáng kể đến một số doanh nghiệp và khu vực cụ thể nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi kinh tế nói chung của Australia.
Báo cáo cho biết, nhiều mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc đã được chuyển hướng thành công sang các thị trường xuất khẩu khác.
Trong năm 2020, giá than nhiệt và luyện kim của Australia đều giảm vào năm 2020 khi các nhà sản xuất tìm kiếm khách hàng mới sau các lệnh cấm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngân khố Australia dự báo giá than nhiệt và luyện kim vẫn ổn định trong 9 tháng tới, lần lượt ở mức 112 USD/tấn và 93 USD/tấn tại cảng, dù thừa nhận sự biến động thị trường do căng thẳng với Trung Quốc cũng như các chính sách môi trường toàn cầu.
Các nhà phân tích cũng cho rằng căng thẳng thương mại gia tăng khó có thể thay đổi việc Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào Australia như là nhà cung cấp quặng sắt chủ yếu, khi mặt hàng này đã tăng lên mức cao kỷ lục 231 USD/tấn trong tuần này và khối lượng xuất khẩu quặng sắt của Australia đạt mức cao nhất trong 10 tháng.
Công ty tư vấn Shipbroker Braemar cho biết, các nhà sản xuất Australia có thể xuất xưởng khoảng 85 triệu tấn quặng sắt trong tháng Năm, tăng 25% so với tháng Tư và đây là mức cao nhất kể từ tháng Sáu năm ngoái.
Các nhà phân tích của Shipborker Braemar cho biết thêm, do sản lượng quặng sắt ở Brazil tăng trưởng chậm, khối lượng quặng sắt hàng tháng trên toàn cầu vẫn thấp hơn mức của năm 2018.
Hiện, Australia cung cấp 60% nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc và các nhà phân tích của ngân hàng UBS trong tuần này cho biết, Trung Quốc có rất ít lựa chọn thay thế cho sản lượng nhập khẩu từ Xứ Chuột túi trong ngắn hạn. Và do đó, căng thẳng song phương sẽ không ảnh hưởng lớn đến thương mại quặng sắt.
Các nhà phân tích của ngân hàng CBA cũng lưu ý rằng tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thép cao cho thấy giá quặng sắt sẽ khó có thể giảm trong ngắn hạn./.