Australia sẽ mất bao lâu để hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp?
Sau khi hợp tác với Mỹ và Anh trong thỏa thuận xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Australia có thể mất tới 3 năm để chính thức phá bỏ hoàn toàn hợp đồng tàu ngầm với Pháp.
Australia khó hủy ngay hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp
Ngày 21/9, Pháp tiếp tục nổi giận về quyết định hủy hợp đồng tàu ngầm của Australia để chuyển sang ký kết thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh trong khuôn khổ AUKUS. Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines trở thành những quốc gia mới nhất ủng hộ việc Australia sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân dựa trên thỏa thuận AUKUS.
Ngoài ra, cũng xuất hiện thông tin cho rằng, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh có khả năng sẽ sử dụng Australia làm căn cứ để hiện diện liên tục trong khu vực theo thỏa thuận AUKUS được công bố vào ngày 15/9.
Vào cuối tuần qua, Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước để thể hiện sự không hài lòng. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói thỏa thuận AUKUS là “hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác”, đồng thời cảnh báo rằng các thỏa thuận thương mại tương lai với Liên minh châu Âu (EU) có thể gặp nguy hiểm.
Chính phủ Australia đã gửi thông báo chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghiệp quân sự Naval Group của Pháp tới trụ sở chính ở Paris vào ngày 15/9, vài giờ sau khi tuyên bố hủy bỏ chương trình đóng 12 tàu ngầm mới do Paris chế tạo.
Các nguồn tin xác nhận thông báo trên là để chấm dứt thỏa thuận “theo mong muốn”, nghĩa là Australia không cáo buộc tập đoàn Pháp đã làm điều gì sai trái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Australia vẫn chưa chấm dứt một thỏa thuận khung riêng giữa các chính phủ và quá trình này có thể kéo dài tới 3 năm.
“Cần 12 tháng thảo luận để xác nhận sẽ hủy bỏ hợp đồng. Sau đó là 24 tháng để chính thức hóa việc hủy bỏ nó. Vì vậy, chúng tôi muốn biết Australia sẽ thực thi những điều khoản trong hợp đồng như thế nào”, ông Le Drian nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Australia cho biết, không cần phải thông báo trước 12 tháng để chấm dứt thỏa thuận với Naval Group, nhưng thừa nhận rằng đã có một thỏa thuận khung riêng với chính phủ Pháp liên quan đến chương trình tàu ngầm.
“Các bước để kết thúc thỏa thuận này sẽ được thực hiện theo đúng quy trình”, người phát ngôn này cho biết.
Phát ngôn viên quốc phòng đối lập ở Australia, ông Brendan O’Connor đã cáo buộc Thủ tướng Australia Scott Morrison phớt lờ và xử lý sai động thái hủy bỏ hợp đồng với Pháp
“Khi vội vàng đưa ra thông báo này, chính phủ của ông Morrison đã không tính tới phản ứng của Pháp, không giữ gìn mối quan hệ quan trọng này hoặc lường trước được vị thế của Australia với các đối tác quốc tế”, ông Brendan O’Connor nói.
Rất nhiều khó khăn ở phía trước
Sau khi triệu hồi các đại sứ tại Canberra và Washington về nước, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã không mời Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tham dự cuộc họp ba bên theo kế hoạch với người đồng cấp Ấn Độ ở New York, trong bối cảnh Paris cảnh báo rằng các cuộc đàm phán với EU về một hiệp định thương mại tự do với Australia có thể bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan, người sẽ đến châu Âu vào tuần tới, nói rằng các cuộc đàm phán thương mại “luôn khó khăn nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các vòng đàm phán thứ 10 và 11”.
“Australia luôn sẵn sàng ngồi lại với các bên để giải quyết những vấn đề khó khăn”, ông Tehan nói.
Phát biểu sau khi đến New York để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới, ông Morrison nói rằng không có cách nào có thể minh bạch hơn với Pháp mà không làm ảnh hưởng tới thỏa thuận rất nhạy cảm với Mỹ và Anh.
Trong khi Tổng thống Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các vấn đề xoay quanh liên minh AUKUS, ông Morrison cho biết chưa có cơ hội để ông và Tổng thống Pháp có một cuộc đối thoại tương tự.
Indonesia và Malaysia đều bày tỏ lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực được thúc đẩy bởi động thái mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia. Trung Quốc coi đây là mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” đối với sự ổn định của khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết, “việc tăng cường khả năng phát huy sức mạnh của một đồng minh ở nước ngoài nên được khôi phục và giữ cân bằng thay vì làm mất ổn định”. Ông Teodoro Locsin Jr. nói rằng có sự “mất cân bằng về lực lượng” ở các quốc gia Đông Nam Á, vì vậy việc tăng cường quân sự của một quốc gia như Australia là điều đáng hoan nghênh.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này “hoan nghênh việc thành lập liên minh AUKUS”. “Đối với Nhật Bản, mục tiêu lớn là hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy chúng tôi hy vọng có thể đối thoại sâu sắc hơn với các nước khác”, ông Toshimitsu Motegi nói./.