'Bà chằn' không liên quan đến phụ nữ

Có người hiểu lầm 'bà chằn' là quái vật lấy hình phụ nữ và 'chằn tinh' là con rắn lớn. Tuy nhiên, cả hai từ chỉ có một nghĩa là 'con hổ'.

Theo Chuyện Đông Chuyện Tây của An Chi, từ “chằn” không lưu hành trong lời ăn tiếng nói ở miền Bắc mà chỉ có trong Nam.

Từ này xuất hiện trong hai câu thành ngữ “chằn tinh gấu ngựa” và “chằn ăn trăn quấn”. Đây là những thành ngữ chỉ sự nguy hiểm, dữ dằn. Trong đó, trăn và gấu là hai loài thú dữ còn chằn là để chỉ chúa sơn lâm.

Nhà ngôn ngữ học này còn cho rằng hình thức ban đầu của từ “chằn” là “bà chằn”. Đây là hai tiếng mà người Nam bộ phiên âm từ tiếng Malaysia machan (matjan). Họ đã đọc trại m thành b. Do đó, “bà chằn” có nghĩa là cọp, hổ.

Về sau, từ này dần bị mất nghĩa. Âm tiết đầu tiên bị đồng hóa với từ “bà” trong bà lão, bà cô, bà chúa… “Bà chằn” trong tiếng Việt hiện nay được ghi nhận là quái vật lấy hình nữ giới hoặc những người phụ nữ dữ dằn. Do đó, người ta chỉ dùng từ “chằn” để chỉ chúa sơn lâm.

Tuấn An - Hina

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-chan-khong-lien-quan-den-phu-nu-post1457743.html