Ba di sản thế giới ở châu Phi không còn bị đe dọa
Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã quyết định đưa ba di sản nổi bật của châu Phi ra khỏi Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Rừng nhiệt đới Atsinanana (Madagascar)
Ba di sản này gồm: Rừng nhiệt đới Atsinanana (Madagascar), khu khảo cổ Abu Mena (Ai Cập) và Phố cổ Ghadamès (Libya).
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ từ Chính phủ các quốc gia sở hữu di sản, với sự đồng hành hỗ trợ chuyên môn và tài chính từ UNESCO cùng cộng đồng quốc tế.
“Việc một di sản được đưa ra khỏi Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa là chiến thắng chung cho tất cả chúng ta, cho các quốc gia, cộng đồng địa phương, cho UNESCO và rộng hơn là cho di sản chung của nhân loại”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Bà cho biết thêm: “Chúng tôi đang triển khai một chiến lược đặc biệt dành cho châu Phi, từ việc đào tạo chuyên gia, hỗ trợ công nhận các di sản mới, đến giúp đỡ các nước thành viên xây dựng chiến lược bảo vệ di sản đang gặp nguy cơ. Những nỗ lực này đang dần mang lại những kết quả đáng khích lệ.”
Châu Phi và những thành quả bảo tồn đáng ghi nhận
Kể từ năm 2021, UNESCO đã hỗ trợ các nước châu Phi trong việc cải thiện tình trạng của nhiều di sản. Trước ba địa điểm vừa được rút khỏi danh sách cảnh báo, các di sản như: Vườn quốc gia Garamba (Cộng hòa Dân chủ Congo), Khu bảo tồn động vật hoang dã Rwenzori (Uganda) và Vườn quốc gia Niokolo-Koba (Senegal) cũng đã từng bước thoát khỏi tình trạng bị đe dọa.
Việc ba địa danh mới của Madagascar, Ai Cập và Libya được “gỡ cảnh báo” lần này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của UNESCO đối với châu Phi - một trong những trọng tâm ưu tiên trong chiến lược toàn cầu về bảo tồn di sản.

Abu Mena (Ai Cập)
Ba di sản vượt qua thử thách
Rừng mưa nhiệt đới Atsinanana (Madagascar)
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2007, rừng mưa Atsinanana mang giá trị sinh học vô cùng đặc biệt với hàng trăm loài sinh vật đặc hữu, trong đó nổi bật là các loài vượn cáo chỉ có ở Madagascar.
Tuy nhiên, từ năm 2010, khu rừng này bị đưa vào Danh sách Di sản bị đe dọa do tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, buôn bán gỗ mun, gỗ cẩm lai và nạn phá rừng lan rộng, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Với sự hỗ trợ của UNESCO và cộng đồng quốc tế, Madagascar đã triển khai kế hoạch hành động dài hạn: Siết chặt quản lý tài nguyên, giám sát bằng vệ tinh, tăng cường tuần tra địa phương và khống chế hiệu quả nạn khai thác gỗ lậu.
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận: 63% diện tích rừng bị mất đã được phục hồi, buôn bán gỗ quý được kiểm soát và nạn săn trộm vượn cáo đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Abu Mena (Ai Cập)
Abu Mena, một trung tâm hành hương cổ xưa và là cái nôi của đời sống tu viện Kitô giáo, được UNESCO ghi danh Di sản Thế giới từ năm 1979.
Tuy nhiên, vào năm 2001, khu di sản này bị liệt vào danh sách đang bị đe dọa khi mực nước ngầm dâng cao bất thường, gây sụt lún, làm hư hỏng nhiều cấu trúc cổ, do tác động của các phương pháp canh tác và tưới tiêu không phù hợp từ các trang trại xung quanh.
Đến năm 2021, với sự tài trợ từ Quỹ Di sản Thế giới của UNESCO, một hệ thống bơm và thoát nước quy mô lớn đã được lắp đặt, giúp kiểm soát mực nước ngầm.
Đặc biệt, kế hoạch bảo tồn tổng thể hoàn thiện vào năm 2024 đã mở ra cơ hội cho việc quản lý bền vững khu di sản, với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương trong các hoạt động giám sát, bảo vệ.

Phố cổ Ghadamès (Libya)
Phố cổ Ghadamès (Libya)
Phố cổ Ghadamès, hay còn gọi là “Hòn ngọc của sa mạc”, là một trong những thành phố ốc đảo cổ nhất vùng Sahara, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới từ năm 1986.
Thành phố từng bị xếp vào Danh sách Di sản đang bị đe dọa từ năm 2016 do ảnh hưởng của xung đột vũ trang, cháy lớn và thiên tai.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương phối hợp với các đối tác quốc tế đã tiến hành hàng loạt công trình trùng tu quy mô lớn.
Các tòa nhà lịch sử, hệ thống đường ống, cơ sở hạ tầng truyền thống được sửa chữa; đồng thời, các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý di sản, xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro cũng được triển khai để đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Vì sao cần có Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa?
Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa không phải là “bản án”, mà là hệ thống cảnh báo sớm có tính chất khẩn cấp nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về các nguy cơ đe dọa các giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản.
Khi được đưa vào danh sách này, di sản sẽ được hưởng ưu tiên về hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và các chương trình quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ xuống cấp hoặc biến mất hoàn toàn.
Chính cơ chế này giúp UNESCO không chỉ giữ vai trò gìn giữ ký ức chung của nhân loại, mà còn là người kiến tạo các giải pháp bền vững để di sản tiếp tục sống động trong đời sống đương đại.
Với 194 quốc gia thành viên, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đóng góp vào hòa bình và an ninh bằng cách dẫn đầu hợp tác đa phương về giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông và thông tin.
Có trụ sở chính tại Paris, UNESCO có văn phòng tại 54 quốc gia và tuyển dụng hơn 2.300 nhân viên.
UNESCO giám sát hơn 2.000 Di sản Thế giới, Khu Dự trữ Sinh quyển và Công viên Địa chất Toàn cầu; mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, Học tập, Hòa nhập và Bền vững; cùng hơn 13.000 trường học, khoa đại học, cơ sở đào tạo và nghiên cứu liên kết, với mạng lưới toàn cầu gồm 200 Ủy ban Quốc gia. Tổng Giám đốc UNESCO là bà Audrey Azoulay.
“Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, nên chính trong tâm trí con người mà sự bảo vệ hòa bình phải được xây dựng”, Hiến chương UNESCO, 1945.