Ba Lan đề xuất thành lập ngân hàng tái vũ trang để tăng chi tiêu quốc phòng
Với vai trò là chủ tịch luân phiên của EU, Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan vừa cho biết Liên minh châu Âu nên cân nhắc xem xét ý tưởng thành lập một 'ngân hàng tái vũ trang' để huy động số tiền cần thiết nhằm tăng cường năng lực phòng thủ.
Ba Lan hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU và quốc gia này đã đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Các nhà lãnh đạo EU ước tính khối này cần đầu tư thêm 500 tỷ euro trong thập kỷ tới để giải quyết các nhu cầu về nâng cao năng lực quân sự nhằm đáp ứng các yêu cầu mới do ảnh hưởng từ cuộc xung đột hiện tại.
![Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski. (Ảnh: Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_65_51415507/5398ac8a94c47d9a24d5.jpg)
Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Radosław Sikorski, các lựa chọn trên bàn đàm phán nên bao gồm: tăng đóng góp của các quốc gia thành viên vào ngân sách chung EU, tái sử dụng các quỹ EU hiện có; tái phân bổ các quỹ EU chưa chi và phát hành trái phiếu chung, lựa chọn này đang được một số quốc gia ủng hộ nhưng bị Đức và Hà Lan phản đối.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất ý tưởng thành lập một ngân hàng tái vũ trang. Ông cho biết ngân hàng có thể làm theo quy định do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) đặt ra. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là cả Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đều không được phép tài trợ cho các dự án chỉ liên quan đến quân sự do đó sẽ cần một sự cải cách thống nhất của các quốc gia thành viên EU.
Ngoài ra, ông Sikorski thúc giục Brussels tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga trên toàn lãnh thổ EU để tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine từ nguồn này, tuy nhiên việc này vẫn còn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, vì số tiền này là tài sản có chủ quyền của Nga và do đó được luật pháp quốc tế bảo vệ.