Ba nhóm giải pháp để tăng tốc xuất khẩu nông sản 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy đã đưa ra 3 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời khẳng định, với đà tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu cả năm 2025 sẽ đạt từ 65 tỷ USD trở lên.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Với đà phục hồi khả quan ở nhiều nhóm hàng, cùng với nhóm giải pháp quyết liệt, Bộ NN&MT tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD trở lên trong năm 2025.

Bộ NN&MT tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD trở lên trong năm 2025.
Điều này càng được thể hiện mạnh mẽ khi mới đây Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy đã ký ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 3 và quý 4 nhằm đạt được mục tiêu 65 tỷ USD.
Trong đó, Bộ NN&MT đề ra nhiều giải pháp, trọng tâm là mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tối đa ưu đãi từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cả song phương và đa phương.
Đồng thời, đặt ra kế hoạch mục tiêu cụ thể từ nay đến cuối năm 2025. Theo đó, trong quý 3/2025 phấn đấu mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 14-15 tỷ USD. Quý 4/2025 sẽ tăng tốc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tận dụng cơ hội nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng dịp cuối năm dương lịch, lễ, Tết để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt đạt 16 tỷ USD trở lên.
Dù vậy, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng cuối năm ước chỉ đạt khoảng 31,6 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương sụt giảm khoảng 1,6 tỷ USD, nếu mức thuế đối ứng hiện hành của Hoa Kỳ vẫn được duy trì. Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định chuỗi cung ứng, phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế và dư địa phát triển; Thứ hai, tận dụng tối đa các cơ hội từ chính sách giãn thuế, điều chỉnh cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ; Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu quý 3 để tạo đà tăng trưởng cho nửa cuối năm.
Bộ NN&MT cũng đề nghị các cơ quan chuyên ngành chủ động phối hợp cùng địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, để dự báo, theo dõi sát tình hình lưu thông hàng hóa, tránh ùn tắc ảnh hưởng đến tiến độ giao thương.
Đồng thời, cần có các hành động quyết liệt nhằm duy trì xuất khẩu tại các thị trường truyền thống; bổ sung dòng sản phẩm mới, thúc đẩy nhóm hàng có tiềm năng tại các thị trường như: thủy sản sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU; rau gia vị và trái cây tươi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN; cà phê sang Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN.
Các mặt hàng có dư địa tăng trưởng mạnh như cà phê, hạt điều, tôm, cá, trái cây đặc sản... sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Đồng thời, Bộ cũng khuyến nghị tiếp tục khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, ASEAN, Nam Mỹ.
Để đảm bảo nguồn cung ổn định, Bộ NN&MT yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hoàn thiện hệ thống mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc chuyển hướng thị trường, ưu tiên chế biến sâu nhằm tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chi phí logistics và thuế suất ngày càng gia tăng.