Ba 'ông lớn' dầu khí Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho năng lượng tái tạo

Sinopec, China National Offshore Oil và PetroChina tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2030.

Biểu tượng của công ty China National Offshore Oil. (Nguồn: China Daily)

Biểu tượng của công ty China National Offshore Oil. (Nguồn: China Daily)

Ba công ty năng lượng quốc doanh lớn của Trung Quốc dự định sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ Nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) trở lên vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025, nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đến năm 2060 lượng khí thải CO2 ròng bằng 0.

Ông Ma Yongsheng, Chủ tịch công ty China Petroleum and Chemical, hay còn gọi là Sinopec, cho biết công ty này sẽ mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo mỗi năm, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Trong ba năm đến hết năm 2025, Sinopec sẽ đầu tư ít nhất 60 tỷ USD vào lĩnh vực này.

Chính phủ Trung Quốc muốn đến năm 2025 có ít nhất 50.000 xe chạy bằng pin nhiên liệu lưu thông trên đường phố nước này, tăng từ con số khoảng 12.000 xe vào cuối năm 2022.

Sinopec, công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc với hơn 30.000 trạm xăng trên cả nước, dự định sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để nâng số trạm hydro cho các xe chạy bằng pin nhiên liệu từ 98 trạm vào cuối năm 2022 lên 1.000 trạm vào cuối năm 2025.

Sinopec cũng đã bắt đầu xây dựng một cơ sở hydro xanh trị giá 5,7 tỷ Nhân dân tệ ở vùng Nội Mông để cung cấp nhiên liệu cho nhà máy chế biến than đá gần đó. Dự án này được cho là sẽ giảm lượng khí CO2 của nhà máy than đá này khoảng 1,4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, công ty China National Offshore Oil Co. (CNOOC) lại đang tập trung vào năng lượng gió ở ngoài khơi, bằng cách tận dụng chuyên môn của mình trong việc khoan dầu ở đáy biển.

Tháng trước, công ty này đã hoàn tất xây dựng trạm năng lượng gió nổi ở vùng biển sâu Haiyou Guanlan cách bờ biển tỉnh Hải Nam hơn 100 km.

Dự án này, được Chủ tịch CNOOC Wang Dongjin gọi là công trình trạm năng lượng gió nổi biển sâu đầu tiên của Trung Quốc và cả thế giới, được dự đoán trung bình sẽ sản xuất được 22 triệu kilowatt-giờ/năm.

CNOOC dự định đầu tư khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ/năm đến hết năm 2025. Giám đốc điều hành của công ty này là ông Zhou Xinhuai cho biết khoảng 5-10% trong số này, tương đương 15-30 tỷ Nhân dân tệ trong ba năm, sẽ được dành cho các nguồn năng lượng mới.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, PetroChina đã đầu tư 7,6 tỷ Nhân dân tệ vào năng lượng Mặt Trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Công ty lọc dầu này còn thành lập một trung tâm nghiên cứu các nguồn năng lượng mới tại Thâm Quyến. PetroChina được dự đoán sẽ đầu tư hơn 10 tỷ Nhân dân tệ/năm vào lĩnh vực này đến hết năm 2025.

Các “ông lớn” nói trên tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2030 và tiến đến lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Lượng dầu thô tiêu thụ của nước này được dự đoán đạt đỉnh ở mức gần 800 triệu tấn vào năm 2030 trước khi giảm xuống khoảng 200 triệu tấn vào năm 2060.

Trong khi đó, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời được dự đoán chiếm 28% sản lượng điện của Trung Quốc vào năm 2030 và 81% vào năm 2060, tăng từ mức 13% năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ba-ong-lon-dau-khi-trung-quoc-manh-tay-dau-tu-cho-nang-luong-tai-tao/855693.vnp