Bà Rịa - Vũng Tàu: Bệnh đau mắt đỏ tăng đột biến và cách phòng ngừa
Những ngày qua, số ca đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh, nhiều ca bệnh có biến chứng gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực.
Ngày 18/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, số ca viêm kết mạc cấp (còn gọi là bệnh đau mắt đỏ) trên địa bàn gia tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 8 tháng đầu năm nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ giao động khoảng từ 200-230 ca mỗi tháng. Tuy nhiên, chỉ tính từ ngày 1 đến 11/9, đã có tới 245 ca đau mắt đỏ được Bệnh viện mắt khám, phát hiện. Đáng lo ngại, trong số này có khoảng 30% ca bệnh có biến chứng gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực.
Trước nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp - Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đau mắt đỏ là một bệnh lý nhãn khoa rất phổ biến, ở Việt Nam chiếm khoảng 8% các bệnh về mắt.
Theo bác sĩ Giáp, có hai nhóm nguyên nhân thường gặp nhất là do siêu vi trùng và vi trùng, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp do cả hai nhóm nguyên nhân phối hợp trên cùng một bệnh nhân, nên khó xác định nguyên nhân chính xác. Đau mắt đỏ có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa.
Về triệu chứng lâm sàng và tiến triển của bệnh đau mắt đỏ, thường khởi phát với các triệu chứng điển hình như: cộm xốn, ngứa mắt, sưng đỏ mí và kết mạc, khiến trẻ rất khó chịu, phải thường xuyên dụi mắt. Kèm theo là triệu chứng chảy nước mắt và ra rỉ ghèn, nhất là vào buổi sáng ghèn làm dính chặt lông mi rất khó mở mắt, một số trường hợp bị nổi hạch trước tai sưng và đau.
Nếu nguyên nhân là vi trùng thì ghèn thường có màu vàng đặc như mủ. Nếu do siêu vi trùng thì ghèn chỉ là các sợi dây trong và dai. Một số trẻ có thể kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khò khè.
Theo bác sĩ Giáp, bình thường bệnh đau mắt đỏ sẽ giảm dần và hết sau 1-2 tuần. Nếu bị biến chứng viêm giác mạc (lòng đen) sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nhìn mờ, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng. Trường hợp này nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây viêm loét giác mạc rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Một số trường hợp tiến triển nặng, các sợi Fibrine sẽ kết hợp với tế bào viêm và vi khuẩn tạo thành một màng giả bám chặt ở mặt trong kết mạc cùng đồ, gây sưng húp mi mắt, loét trợt biểu mô giác mạc rất nguy hiểm. Có thể kèm theo xuất huyết kết mạc và chảy nước mắt lẫn máu hồng.
Đau mắt đỏ chủ yếu lây lan bằng đường tiếp xúc trực tiếp với rỉ ghèn của bệnh nhân qua tay người bệnh nhân hoặc cha mẹ, ông bà, người chăm sóc không vệ sinh sạch sẽ. Đường lây thứ hai là qua hơi thở và nước bọt người bệnh có mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ôm hôn, ho, hắt hơi khi không che miệng hoặc mang khẩu trang.
Bệnh cũng có thể lây qua những vật dùng chung như ly cốc, khăn mặt, chậu rửa, chăn gối .... Vì vậy bệnh có thể phát triển rất nhanh thành dịch ở trong gia đình, các trường học, doanh trại, ký túc xá, nơi tập trung đông người.
Bác sĩ Giáp chia sẻ, người dân cần lưu ý khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ nên tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ. Không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc của người người khác khi không có chỉ định của bác sỹ. Không nên xông hoặc đắp mắt bằng các loại lá trầu, thuốc dân gian hoặc thán mực tàu để tránh làm bệnh nặng thêm.
Có thể áp dụng một số biện pháp phụ trợ trong quá trình điều trị như sau: đắp gạc hoặc khăn ấm lên mắt làm giảm đau và khó chịu, rửa mặt bằng xà phòng nhẹ hoặc dầu gội đầu trẻ em để loại bỏ bớt tác nhân gây bệnh, dùng nước muối sinh lý để rửa mắt và làm mềm lông mi nhất là vào buổi sáng. Bổ sung vitamine C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh hoặc uống Vitamine C 30mg/kg cân nặng/1 ngày.
Bác sĩ Giáp khuyến cáo, vệ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan đau mắt đỏ. Một khi bị đau mắt, người bệnh cần thực hiện rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, không dụi tay bẩn lên mắt. Cả người bệnh và người chăm sóc, tiếp xúc đề cần đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần hoặc chăm sóc trẻ nhỏ…
Đối với những người trong gia đình, ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ làm lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Đối với trường học, khi có trẻ đau mắt cần cho nghỉ học cách ly tại nhà, tránh lây lan từ 3-5 ngày. Tăng cường công tác vệ sinh, tạo sự thông thoáng trong phòng học, phòng ăn, phòng sinh hoạt tập thể trong mùa dịch. Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và không dụi tay bẩn lên mắt. Nếu cô giáo bị đau mắt cũng phải nghỉ cách ly ít nhất 3-5 ngày tránh lây cho học sinh khác…