Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ kinh nghiệm 'thần tốc' làm cao tốc

Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Quốc hội và Chính phủ ban hành các nghị quyết cho chủ trương áp dụng cơ chế đặc thù.

Chiều 6/3, đoàn giám sát do ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về một số công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết để đảm bảo đủ nguồn vốn triển khai thực hiện dự án trọng điểm ngành giao thông theo tiến độ đề ra, địa phương kiến nghị các bộ ngành liên quan xem xét tổng hợp trình cấp thẩm quyền bố trí bổ sung vốn từ ngân sách Trung ương năm 2024 là 660 tỷ đồng.

Ông Vinh cho hay, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về dự án trọng điểm quốc gia, Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng cơ chế đặc thù về việc chỉ định thầu trong năm 2020 và 2023, bước đầu đã thu được kết quả tốt.

Việc này giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ khởi công công trình và hoàn thành dự án.

Tỉnh được Quốc hội và Chính phủ ban hành các nghị quyết cho chủ trương áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó có 3 cơ chế: Chỉ định thầu; Không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Giao UBND tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Căn cứ các quy định, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia thành 27 gói thầu trong đó có 17 gói thầu áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu với tổng giá gói thầu hơn 2.643 tỷ đồng.

Đối với gói thầu số 11 (xây lắp và thiết bị) của dự án, việc chỉ định thầu đảm bảo tiết kiệm tối thiểu giảm 5% giá trị dự toán gói thầu theo quy định.

Nói về tính hiệu quả của việc chỉ định thầu, ông Vinh cho biết việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đã rút ngắn khoảng 94 ngày trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ khởi công công trình và thời gian hoàn thành dự án so với hình thức đấu thầu rộng rãi.

Nhờ vậy đến nay công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt gần 100%, lũy kế thi công đạt hơn 240 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9/2025 thông tuyến kỹ thuật, dự kiến về đích trước 3 tháng so với kế hoạch.

Nhân lực và máy lu đang thi công vị trí vừa cấp phối đá bây.

Nhân lực và máy lu đang thi công vị trí vừa cấp phối đá bây.

Trước báo cáo của địa phương, các đại biểu trong đoàn công tác đánh giá cao việc triển khai các dự án giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó nổi bật nhất là tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khi áp dụng chính sách đặc thù, tỉnh đã chủ động lựa chọn nhà thầu, nguyên vật liệu, giúp dự án đảm bảo tiến độ và vượt tiến độ. Trong việc triển khai các dự án lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều cách làm hay và thiết thực, chỉ đạo sát sao nhất là giải phóng mặt bằng và tái định cư.

"Tỉnh cần đánh giá cụ thể thêm khi áp dụng cơ chế đặc thù thì địa phương đã rút ngắn được bao nhiêu thời gian, cắt giảm được các bước thủ tục nào… ở dự án", các đại biểu đề nghị.

Về vấn đề áp dụng cơ chế đặc thù, bà Nguyễn Thị Yến – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nếu làm theo cơ chế bình thường cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nên việc áp dụng cơ chế đặc thù đã giúp địa phương có được những kết quả khả quan.

Về kinh nghiệm giải phóng mặt bằng, bà Nguyễn Thị Yến chia sẻ, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Giao chủ tịch tỉnh và các phó chủ tịch, phó giám đốc trực tiếp trong các ban chỉ đạo, xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn tại chỗ. Ngoài ra, hàng tuần thực hiện báo cáo tiến độ.

Tương tự ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đến thời điểm này đã nhìn thấy được kết quả tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ một số kinh nghiệm giải phóng mặt bằng, làm cao tốc...

Ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ một số kinh nghiệm giải phóng mặt bằng, làm cao tốc...

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên xin được làm cao tốc và trực tiếp thuê đơn vị tư vấn, thiết kế, hoàn thiện hồ sơ, bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải, trình Chính phủ cho thẩm quyền để làm cao tốc.

Tỉnh mong muốn được Trung ương hỗ trợ, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh hơn tiến độ, cũng như đề nghị được lập dự án riêng khi thực hiện triển khai nút giao mới ngay điểm đầu dự án cao tốc, giáp với tỉnh Đồng Nai để giúp kết nối cao tốc với các vùng lân cận, cầu Phước An và cảng biển…

"Chúng tôi sẽ đầu tư thêm các tuyến kết nối vào cao tốc, xây dựng trạm dừng chân gần điểm nối với cao tốc để phục vụ bà con trong quá trình lưu thông", ông Thọ nói.

Minh Tuệ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-ria-vung-tau-chia-se-kinh-nghiem-than-toc-lam-cao-toc-192240306192153133.htm