'Ba thực chất' ở Khoa Quân nhu
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển (26-9-1955 / 26-9-2020), các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Quân nhu (Học viện Hậu cần) đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) đội ngũ cán bộ hậu cần, quân nhu quân đội...
Một trong những nội dung mà khoa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đột phá đổi mới là: Nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS Nguyễn Công Phúc, Bí thư Đảng ủy Khoa Quân nhu, cho biết: Xác định huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, vì vậy, Đảng ủy khoa thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, chỉ huy cấp trên về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT... đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Hậu cần lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy khoa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, gắn với nâng cao năng lực thực hành cho từng đối tượng, sát thực tiễn đơn vị.
Hiện nay, Khoa Quân nhu có 4 bộ môn; 100% cán bộ, giảng viên trong khoa có trình độ đại học trở lên, trong đó có 81,3% trình độ sau đại học (khoa có 2 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 19 thạc sĩ)-đây là cơ sở quan trọng để khoa thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT trong tình hình mới, Đảng ủy khoa tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng tiềm lực khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch nguồn đào tạo đối với mỗi cán bộ, giảng viên. Xây dựng đội ngũ nhà giáo toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm, tác phong, phương pháp công tác. Chú trọng bồi dưỡng giáo viên trẻ, giáo viên mới cả về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm công tác; kết hợp chặt chẽ giữa tự bồi dưỡng với đề nghị cấp trên cử đi đào tạo ở các bậc học cao hơn, đi thực tế chức trách tại đơn vị.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Khoa Quân nhu, khẳng định: Để nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, trước hết, hệ thống nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu huấn luyện cho các đối tượng được thực hiện đồng bộ, bảo đảm tính kế thừa, logic, liên thông giữa các bậc học theo chuẩn đầu ra của từng đối tượng. Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng công tác biên soạn và thông qua bài giảng, yêu cầu giảng viên bám sát thực tiễn công tác ngành và sự phát triển của khoa học hậu cần quân sự, kết hợp trang bị kiến thức lý luận với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn để học viên nắm chắc, vận dụng thực hiện nhiệm vụ, chức trách sau này tại đơn vị công tác...
"Các cán bộ, giảng viên của Khoa Quân nhu luôn lấy người học là trung tâm, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học viên. Các giảng viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, kịp thời cập nhật các kiến thức mới; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả người học... giúp học viên chúng tôi luôn tự tin, hoàn thành tốt các môn học"-Trung sĩ Lê Quang Trường, học viên lớp S224b, Tiểu đoàn 3 nói.
Có thể thấy, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Quân nhu đã luôn chủ động, tự giác, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực... nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện Hậu cần và quân đội trong thời kỳ mới.