Bác bảo vệ đáng kính
Đối với tôi, bác Tư không chỉ là bác bảo vệ già mà là một người thầy đặc biệt.

Bác Tư, bác bảo vệ già với dáng người nhỏ nhắn, nước da rám nắng, luôn đi đôi dép tổ ong mòn gót và mặc chiếc áo màu bộ đội xanh bạc màu theo năm tháng. Với học sinh trường tôi, bác Tư là... “huyền thoại sống”. Còn với riêng tôi, bác đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời.
Chuyện xảy ra cách đây một tháng, vào một buổi trưa khi sân trường vắng lặng vì học sinh đã về gần hết. Trời hôm ấy đẹp, nắng nhẹ, gió mát. Tôi với thằng Bình, bạn chí cốt không về nhà ngay mà rủ nhau ở lại để thực hiện “kế hoạch vĩ đại”: trèo lên cây bàng to trước sân trường ngắm chim và thực hiện ước mơ “hòa mình vào thiên nhiên”.
Tôi và Bình mang theo một ít gạo, tính dụ mấy chú chim sà xuống để ngắm. Lúc ấy đầu óc non nớt của tụi tôi cứ nghĩ như vậy là hay, là sáng tạo. Thế là vừa cười vừa bàn kế hoạch. Chúng tôi len lén trèo lên cây bàng sau dãy lớp học. Cây bàng mùa này lá đã rậm rạp, không còn khẳng khiu, gầy trơ xương như thằng Bình. Thấy cành bàng cổ thụ to, chắc chắn nên hai đứa chúng tôi tự tin trèo lên cây.
Không khó khăn, thoắt cái hai đứa chúng tôi đã lên được đến cành cao của cây bàng, ngồi vắt vẻo, tay huýt sáo gọi chim. Bình thì cố gắng rải vụn bánh mì và rắc gạo lên các cành bên cạnh. Nhưng chưa kịp thấy con chim nào, thì tôi đã thấy... chân mình bắt đầu tê dại, gió thì thổi to làm nhánh cây bàng tuy to nhưng cũng rung lắc khá mạnh.
Đúng lúc ấy, một tiếng quát vang lên từ phía dưới làm tụi tôi sợ đến rụng tim:
- Hai cậu kia, làm gì trên đấy?
Giật mình nhìn xuống, tôi thấy bác Tư đang đứng chống nạnh dưới gốc cây, tay cầm cây gậy tre quen thuộc, mắt nghiêm nghị. Thấy bác Tư ở dưới tim tôi đập thình thịch. Chưa kịp phản ứng thì “rắc”, một cành nhỏ dưới chân tôi tì vào bị gãy. Tôi chao đảo, mất phương hướng, mắt tối sầm lại. Mọi thứ như quay cuồng, tôi chỉ kịp kêu lên: “Ối”…
Nhưng chưa kịp chạm đất thì tôi cảm thấy có đôi tay chắc khỏe đỡ lấy. Là bác Tư, dù cú rơi không cao, nhưng nếu không có bác, chắc giờ tôi đang nằm ôm chân ở phòng y tế.
Bác Tư thở hổn hển, ôm tôi rồi ngồi xuống đất.
- Trời ơi, mấy đứa nghich dại vừa thôi? Trèo leo thế có ngày gẫy chân, mẻ đầu.
Lúc ấy tôi đỏ bừng mặt, còn thằng Bình thì lặng lẽ tụt xuống từ trên cây xuống, mặt cắt không còn giọt máu.
Bác Tư đưa tụi tôi về phòng bảo vệ. Không quát tháo, không trách mắng ầm ĩ, bác chỉ nhìn tụi tôi một lúc lâu, rồi nhẹ nhàng nói:
- Lần sau các cháu nhớ đừng có chơi mấy trò mạo hiểm đấy. Cây này cao, dưới là nền xi măng, ngã xuống là đi viện như chơi. May mà bác kịp đỡ. Nhưng lỡ bác chậm một giây thì sao?
Tôi cúi gằm mặt, thấy xấu hổ vô cùng. Tôi cứ nghĩ bác sẽ gọi cô chủ nhiệm hoặc gọi điện cho bố mẹ. Nhưng bác chỉ thở dài, rồi rót cho mỗi đứa một cốc nước mát lạnh. Bác nói:
- Bác sẽ không mách ai, nhưng hai đứa phải hứa với bác đừng nghịch dại như vậy nữa.
Tụi tôi lý nhí dạ vâng rồi lặng lẽ ra về. Hôm đó, suốt cả chiều tôi cứ nghĩ mãi. Không phải vì sợ, mà vì cảm động. Tôi thấy bác Tư thật tốt. Bác không chỉ cứu tôi, mà còn giữ thể diện cho tụi tôi, không để bạn bè chê cười hay bố mẹ phải lo lắng. Thậm chí, những ngày sau đó bác còn dạy chúng tôi gấp thuyền, làm diều, làm đồ chơi bằng thanh tre. Có hôm bác còn luộc khoai, rang ngô cho chúng tôi ăn...
Từ hôm ấy, mỗi lần thấy bác Tư, tôi đều lễ phép chào thật to. Có hôm mẹ tôi làm bánh rán, tôi mang cho bác vài cái. Bác cười tít mắt, bảo:
- Bánh này ăn ngon lắm, nhưng nhớ là ăn dưới đất, đừng trèo cây nữa đấy.
Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy chuyện đó thật buồn cười. Nhưng cũng là kỷ niệm không bao giờ quên. Đối với tôi, bác Tư không chỉ là bác bảo vệ già mà là một người thầy đặc biệt.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bac-bao-ve-dang-kinh-411985.html