Bác bỏ thông tin xuất hiện ca bạch hầu tại TP Hồ Chí Minh
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ca bạch hầu gần đây nhất xuất hiện được phát hiện năm 2020.
Ngày 11-7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ thông tin đã có ca bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn. Theo Sở, ca bạch hầu gần đây nhất được phát hiện năm 2020.
Cũng trong ngày 11-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra khuyến cáo sau khi một số địa phương phía Bắc xuất hiện ca bạch hầu, nguy cơ bệnh lây lan đến thành phố Hồ Chí Minh cao, bởi thành phố là đầu mối giao thương lớn, dân cư đông.
Theo số liệu từ HCDC, tính đến tuần 27, thành phố ghi nhận 53 ca bệnh sởi và 44 ca bệnh ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số tỉnh phía Bắc đã ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Đây đều là bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. HCDC khuyến cáo, tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Người lớn và trẻ lớn chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc cần đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ...
Cũng theo HCDC, ngành Y tế thành phố đang rà soát, thiết lập cơ chế chặt chẽ hơn, khắc phục các hạn chế tại tuyến y tế phường/xã trong việc bỏ sót trẻ ở độ tuổi tiêm chủng.
Thống kê của HCDC cho thấy, tỷ lệ bỏ sót trẻ trung bình toàn thành phố là 20%; phường/xã có tỷ lệ bỏ sót cao nhất là 38,9% và thấp nhất là 9,1%.
Để khắc phục, trạm y tế phường/xã sẽ thu thập danh sách trẻ cộng đồng, tức những trẻ không đi học hoặc trẻ được chăm sóc tại các nhóm trẻ dân lập tự phát theo từng khu phố/ấp để cập nhật lên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Đối với trẻ đi học, cơ sở giáo dục sẽ lập danh sách trẻ theo từng lớp và gửi danh sách này cho trạm y tế địa phương để tổng hợp, rà soát và cập nhật lên hệ thống.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, việc rà soát trẻ để lập danh sách quản lý trên địa bàn là công việc phải thực hiện để chủ động tiêm phòng, tăng cường miễn dịch ở trẻ đối với các bệnh có vắc xin phòng ngừa như sởi, ho gà, ....