BẮC GIANG: ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO MỘT SỐ DỰ THẢO LUẬT

Ngày 25/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Vũ Mạnh Thắng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đồng chủ trì.

Cùng dự có ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể.

Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ có 9 chương và 81 điều. Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu cho rằng, phần giải thích từ ngữ cần làm rõ nghĩa hơn nữa của các câu và nhóm, ghép một số mục vì có chung nội dung.

Đại diện TAND tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến, có những phần nêu quá cụ thể, chi tiết không cần thiết, nên quy định ở các văn bản dưới luật. Việc quy định chi tiết trong luật dễ dẫn tới khả năng sớm phải sửa luật do khoa học kỹ thuật, xã hội phát triển rất nhanh, các quy định trong luật không theo kịp với thực tiễn.

Về căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát, các đại biểu băn khoăn quy định như trong dự thảo là quá rộng, nếu vậy thì cảnh sát giao thông có thể dừng xe bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào, trong trường hợp bị lạm dụng, tùy tiện sẽ làm ảnh hưởng đến lưu thông.

Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến.

Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến.

Đối với quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm hành chính.

Ngoài ra, một số ý kiến góp ý về quy tắc chung giao thông đường bộ và các quy tắc cụ thể như: Chấp hành báo hiệu đường bộ; quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ...

Dự thảo Luật Đường bộ có 6 chương với 92 điều, đại biểu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải… đề nghị làm rõ nội dung quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, bao gồm cả công trình giao thông đi dưới mặt đất hoặc xây dựng trên sông, hồ.

Về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cần nêu rõ quy định về hình thức, phương thức đầu tư. Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến vào nội dung quy định về hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ. Quy định về phân loại đường; quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa…

Quy định về yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; yêu cầu, trách nhiệm của các chủ thể khi xây dựng, lắp đặt công trình khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đại diện Sở Tư pháp nêu ý kiến.

Đại diện Sở Tư pháp nêu ý kiến.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương và 196 điều. Nhiều ý kiến cho rằng đây là văn bản pháp luật rất cần thiết để phát triển nhà ở xã hội, do vậy phải bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai và các luật liên quan.

Trong đó có hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại; các dự án nhà ở khác phải thu hồi đất như đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; nhà ở công vụ và nhà ở tái định cư; dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng phải quy định rõ “Các thành viên hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, đất ở do Nhà nước giao hoặc bồi thường để xây dựng nhà ở”, loại bỏ việc thuê, mượn của tổ chức, cá nhân khác để xây dựng nhà ở.

Đề nghị cơ quan soạn thảo luật bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được phép thuê nhà ở xã hội ở ngoài các khu công nghiệp để cho công nhân vào ở nhằm phù hợp với thực tế.

Nhiều đại biểu góp ý về việc chấp thuận nhà đầu tư; chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thời hạn sở hữu nhà chung cư; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân…

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 74 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định, nội dung phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung, sửa đổi các quy định bất cập, chồng chéo, loại bỏ quy định không còn phù hợp.

Đại diện Sở Xây dựng góp ý vào các dự thảo luật.

Đại diện Sở Xây dựng góp ý vào các dự thảo luật.

Một số đại biểu đề nghị đưa vào cụm từ “bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông” và bổ sung “Doanh nghiệp viễn thông công cộng, chủ mạng viễn thông… triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin”. Lý do là chủ quản hệ thống viễn thông là đơn vị sở hữu cơ sở hạ tầng viễn thông có trách nhiệm chình bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông của mình; các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông về triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn nguy cơ đe dọa an ninh thông tin, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư.

Những ý kiến đóng góp được Đoàn ĐBQH và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang tổng hợp đầy đủ, chuyển đến Quốc hội và cơ quan soạn thảo để xem xét, tiếp thu.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=80280