Bắc Giang: Giữ vững đà tăng trưởng
Tiếp đà tăng trưởng của năm trước, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng kinh tế đạt 14,14%. Từ nay đến cuối năm, Bắc Giang đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu đề ra.
Duy trì thứ hạng cao
Mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, năm 2023 đạt 13,45%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14,14%, đứng đầu các tỉnh, TP. Đánh giá của cơ quan chức năng, động lực tăng trưởng chính vẫn là từ phát triển công nghiệp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, riêng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng từ công nghiệp là 19,1%. Kết quả này có được từ sự hồi phục mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, quy mô lớn vì các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp của tỉnh với nhiều sản phẩm có mức tăng mạnh như: Máy tính xách tay, tai nghe, Ipad…
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 315 nghìn tỷ đồng, sang tháng 7, giá trị này tiếp tục tăng nhờ sự tăng trưởng của một số DN lớn. Điển hình là Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung thuộc Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung. Đây là một trong những DN có lượng lao động lớn, riêng doanh thu tháng 7 ước đạt 7.749 tỷ đồng, tăng 69,65% so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty TNHH Hana Micron Vina là DN Hàn Quốc (KCN Vân Trung), doanh thu tháng 7 cũng đạt 860 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Đây là DN chuyên về sản xuất chất bán dẫn, nhà máy thứ 2 vận hành từ cuối năm ngoái nên tạo ra nhiều sản phẩm, đưa doanh thu tăng.
Mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, năm 2023 đạt 13,45%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14,14%, đứng đầu các tỉnh, TP.
Cùng với sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ được hồi phục, tăng trưởng trong 6 tháng đạt 6,42%. Trong đó, phải ghi nhận sự đóng góp của các DN, cửa hàng, siêu thị bán lẻ thường xuyên đưa ra thị trường nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng làm cho thị trường mua sắm, tiêu dùng luôn sôi động; nhiều loại hình dịch vụ làm đẹp, du lịch, ăn uống, mua sắm, vận tải phát triển mạnh. 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng cao so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước đạt hơn 17,7 nghìn lượt người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng luân chuyển đạt gần 695 nghìn người. Vận tải hàng hóa ước đạt 19,7 nghìn tấn, tăng 22% so với cùng kỳ.
Công nghiệp, xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp đều có sự tăng trưởng đã đóng góp chung vào tăng trưởng của tỉnh những tháng đầu năm, góp phần giúp Bắc Giang giữ vững đà tăng trưởng.
Tập trung các giải pháp
Việc duy trì thứ hạng cao của Bắc Giang trong tăng trưởng kinh tế so với cả nước cho thấy các giải pháp trong chỉ đạo điều hành của tỉnh phát huy hiệu quả. Dù vậy, thời gian tới, hoạt động phát triển KT-XH vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều trở ngại như: Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; hoạt động sản xuất ở một số lĩnh vực còn khó khăn. Trên cơ sở nhận diện rõ khó khăn, thách thức, Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt hơn 14%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung các giải pháp tiếp tục thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang.
Kinh nghiệm của Bắc Giang là thu hút đầu tư tại chỗ, tức là tạo điều kiện, khuyến khích DN đã vào đầu tư tại địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ví như Công ty TNHH Fukang Technology (KCN Quang Châu) đầu tư dây chuyền mới, vận hành mở rộng nhà máy từ cuối năm ngoái. DN này thuộc Tập đoàn Foxconn, chuyên sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay cho hãng Apple. Trong tháng 7, doanh thu của DN đạt khoảng 11.493 tỷ đồng, tăng 35,5 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty TNHH JA Solar Việt Nam cũng vừa đưa vào vận hành thêm một nhà máy tại KCN Việt Hàn. Mới đây nhất, Tập đoàn Sunwoda (Trung Quốc) vừa ký hợp đồng nguyên tắc để mở rộng nhà máy sản xuất tại KCN Yên Lư.
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp điều chỉnh 142 dự án, trong đó có 41 dự án tăng vốn thêm 632,34 triệu USD và 816,86 tỷ đồng. Tổng vốn quy đổi hơn 1 tỷ USD. Tổng số dự án đầu tư trong các KCN đến nay là 506 dự án (393 dự án vốn đầu tư nước ngoài, 113 dự án trong nước). Nhiều DN, tập đoàn lớn xuyên quốc gia có chung chia sẻ, lý do tiếp tục lựa chọn Bắc Giang là điểm đầu tư mở rộng là do nhiều chính sách được thực thi hiệu quả, có nhiều cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, giải quyết kịp thời kiến nghị của DN. Tìm hiểu tại Ban Quản lý các KCN tỉnh được biết, việc đồng hành, hỗ trợ DN, nhà đầu tư luôn được đơn vị coi trọng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hỗ trợ đầu tư KCN của Ban đã thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho hơn 110 lượt DN về đầu tư, quy hoạch xây dựng và môi trường.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Về sản xuất vụ mùa này, yêu cầu ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, nhất là lúa, rau và cây ăn quả. Tiếp tục phát triển đàn vật nuôi gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Đi đôi với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, coi công tác giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong những tháng cuối năm 2024. Bởi lẽ, khi nguồn vốn tạo ra các công trình mới, sản phẩm mới sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng. Vì thế, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn của các dự án; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giao chi tiết kế hoạch vốn (còn lại) ngay cho các chương trình, dự án khi đủ điều kiện; rà soát, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khối lượng hoàn thành, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-giu-vung-da-tang-truong-075629.bbg