Bắc Giang - 'Mỏ vàng' để phát triển du lịch
Bắc Giang là vùng đất Kinh Bắc xưa, là nơi lưu giữ những dấu ấn truyền thống, đậm nét, cùng với sự đa dạng văn hóa các dân tộc có thể xem là trở thành 'mỏ vàng' để phát triển du lịch.
Nhận thức rõ được điều đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã và đang từng bước tạo nên những điểm nhấn trong diện mạo du lịch miền Bắc.
Theo số liệu thống kê, nhân lực đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Bắc Giang hiện có gần 1.800 người, gồm nhiều thành phần, như: Cán bộ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp; các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành; các hợp tác xã, tổ, nhóm tham gia làm du lịch cộng đồng… Toàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, khoảng 380 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó hơn 90% là nhà nghỉ, còn lại là các khách sạn (chủ yếu là 1 và 2 sao).
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; xác định du lịch phải gắn với quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu về du lịch Bắc Giang, trong giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch như: Tổ chức thành công Lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; Lễ đón nhận chùa Bổ Đà là di tích Quốc gia đặc biệt, Lễ hội chùa Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia, Bộ mộc bản kinh phật chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia; Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019; Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Xương Giang và Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2020;... Đây là những sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh đến du khách trong nước và quốc tế; là dịp để kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong cả nước, tiếp tục mời gọi đầu tư vào tỉnh, tạo điểm đến an toàn và thân thiện của nhân dân cả nước. Các sự kiện được tổ chức thành công, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang đạt được nhiều kết quả tốt; lượng khách du lịch của tỉnh tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Tổng số lượng khách du lịch giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng: 7,7 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt khoảng: 83.000 lượt; nội địa đạt khoảng: 7,6 triệu lượt); doanh thu du lịch toàn giai đoạn ước đạt khoảng trên 4.000 tỷ đồng.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiếp tục được quan tâm, tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng các mục tiêu, như: Định kỳ 02 năm tổ chức liên hoan hát Quan họ, Chầu văn và mời một số tỉnh liên quan về tham dự các liên hoan; loại hình hát Then, Soọng Cô, Sình Ca được bảo tồn và phát huy thông qua các lớp truyền dạy, các câu lạc bộ quần chúng của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; huyện Việt Yên tích cực quan tâm, tổ chức các lớp truyền dạy các làn điệu Quan họ cổ, tổ chức liên hoan hát quan họ gắn với Lễ hội chùa Bổ Đà,... Công tác phát triển 3 sản phẩm du lịch: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng cơ bản đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả; xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng bản Ven (Xuân Lung - Thác Ngà) huyện Yên Thế, bản Nà Ó, huyện Sơn Động, thương hiệu du lịch Tây Yên Tử cơ bản thành công, tạo sự lan tỏa các giá trị đặc sắc về miền đất, nét văn hóa, con người Bắc Giang và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến du khách trong và ngoài nước. Lượng khách và doanh thu của Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đi năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo điểm nhấn cho du lịch Bắc Giang.
Từ những kết quả trên, có thể thấy nhận thức của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch được nâng lên và có nhiều chuyển biến rõ nét. Hình ảnh về miền đất, văn hóa, du lịch và con người Bắc Giang được du khách trong và ngoài nước biết đến; sản phẩm du lịch Tây Yên Tử đạt được nhiều kết quả tích cực, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều. Cơ sở hạ tầng du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng như: Hoàn thành tuyến đường Tây Yên Tử; Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; đường và hạ tầng bên ngoài chùa Bổ Đà huyện Việt Yên; khu di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; khu di tích chiến thắng Xương Giang; 16 dự án của 10 nhà đầu tư được UBND tỉnh trao quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2018...
Ngành Du lịch Bắc Giang tăng về số lượng khách du lịch, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ du lịch đóng góp cho xã hội còn thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay, có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, hạn chế về nguồn nhân lực nên chưa chủ động, quan tâm khai thác các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng chuyển biến chậm...
Bên cạnh đó, một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển du lịch; chưa bám sát vào nội dung, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết để chỉ đạo, tổ chức thực hiện dẫn tới chưa hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong việc thực hiện chủ trương phát triển du lịch thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả.
Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch còn thiếu. Kinh phí dành cho hoạt động du lịch còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng cho phát triển du lịch; một số khu, điểm du lịch công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; cơ sở hạ tầng vật chất của các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính mùa vụ, chủ yếu phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh vào mùa lễ hội, số ngày lưu trú ngắn.
Trong 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, việc xây dựng, hình thành và đi vào đón khách loại hình sản phẩm “”sinh thái - nghỉ dưỡng” còn chưa hiệu quả, nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư loại hình này...
Để có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa, trong thời gian tới, đơn vị đề xuất tỉnh ủy tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy đảng thống nhất và tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung nhiệm vụ đang thực hiện giai đoạn 2016-2020, sang giai đoạn 2021-2025; Có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch và giải phóng mặt bằng các dự án; Các cấp ủy các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh phát huy tốt, có hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều hành của các ban chỉ đạo về phát triển du lịch thuộc địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, công tác quản lý môi trường kinh doanh, chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương nhằm kết nối có hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh...
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-giang--mo-vang-de-phat-trien-du-lich-post83466.html