Bắc Giang triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều 6/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính tại Trung tâm hội nghị tỉnh và trực tuyến đến điểm cầu 10 huyện, TP và 209 xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu được nghe lãnh đạo Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) phổ biến nội dung, những điểm mới của Luật và những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Luật trong thực tế.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn của Luật là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân.
Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển KT - XH của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật cũng quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Cùng đó, cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó quy định rõ những nội dung công khai để nhân dân biết, nhân dân tham gia ý kiến, nhân dân kiểm tra, giám sát và nhân dân thụ hưởng.
Luật cũng quy định cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác MTTQ ở thôn, tổ dân phố; vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, giám sát công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Sau khi triển khai Luật, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, rà soát Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tổ chức thi hành hiệu quả Luật.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình tổ chức thi hành Luật.
Tin, ảnh: Thu Phong