Bác Hai...

Khi còn sống, mỗi khi con cháu tề tựu đông đủ, bao giờ ông nội tôi cũng nhắc đến bác Hai với niềm tự hào nho nhỏ. Từ khi lớn lên, tôi được nghe kể rằng, ông bà nội tôi lấy nhau ngót chục năm mà chưa có con.

Ở những năm 50 của thế kỷ trước, với những cặp hiếm muộn, ngoài cầu tự, người ta thường xin con nuôi để “làm mồi”, bác Hai tôi là một trường hợp như thế.

Sau khi nhận bác Hai làm con nuôi, ông bà nội tôi đã sòn sòn cho ra gần nửa tiểu đội con đẻ. Ông bà nội tôi vốn đã nghèo, đến lúc con đông - gia cảnh lại càng bấn. Mới hơn 10 tuổi, bác Hai đã phải gác lại chuyện học hành để cùng bố mẹ làm lụng nuôi đàn em thơ lít nhít kiểu trứng vịt trứng gà.

Ngày ấy trong làng cũng có một cặp hiếm muộn, thấy ông bà nội tôi nhờ có bác Hai làm “mồi” mà sinh đàn sinh đống, họ cũng bắt chước xin con nuôi. Chẳng hiểu phúc đức hay số phận, dẫu xin con nuôi mấy năm mà bà vợ ông nọ vẫn không tài nào sinh nở…

Thấy bác Hai siêng năng hiếu thuận, lại “làm mồi” giỏi, nhà nọ đã đánh tiếng và xin ông bà nội cho bác sang nhà họ làm con nuôi. Dù rất thương bác, nhưng gia cảnh đói kém, nhà kia lại hứa sẽ trợ giúp một ít thóc gạo, thế là bác Hai bị “gả” làm con nuôi lần thứ 2.

Theo người lớn tuổi trong họ kể lại, ban đầu bác tôi phản đối dữ lắm vì phải xa bố mẹ và các em. Song do hoàn cảnh, bắt buộc phải gật đầu, nhưng điều kiện đưa ra là vẫn giữ họ Nguyễn Đức và thi thoảng được về ngủ đêm với mấy em nhỏ…

Quả tình việc làm “con mồi” của bác tôi rất “mát tay”, chưa đầy 3 năm, vợ chồng nhà nọ đã sinh được bé gái đầu lòng. Năm sau nữa họ lại có thêm đứa con trai. Nhưng rồi cuộc sống chẳng thể biết hết đường run rủi. Chính tiếng đồn làm con “mồi” mát tay, đã đẩy bác Hai phải đi làm con nuôi lần thứ 3.

Không rõ bằng cách nào, dẫu đã gần 20 tuổi, người ta vẫn thuyết phục được bác tôi đi làm con nuôi. Mà lần này lên tận mạn Thái Nguyên. Ngày nhà nọ “gả” bác đi làm con nuôi, họ đã không thông báo cho ông bà nội tôi biết. Khi sự việc vỡ lỡ - họ chỉ nói là cho bác lên trên đó để theo học nghề thợ mộc…

Thời gian trôi đi nhanh lắm, những người con đẻ của ông bà nội tôi lần lượt trưởng thành. Trong câu chuyện hằng ngày, tên bác Hai dần ít được nhắc đến…Và những năm 60 -70 của thế kỷ trước, thư từ rất khó khăn, thông tin về bác gần như mù tịt. Sau năm 1975, trai tráng làng tôi ra chiến trường lần lượt trở về, trong đó có bố tôi và 2 bác trai kế trên.

Tết Nguyên đán năm 1976, ông nội tôi tổ chức ăn to để mừng đất nước thống nhất và 3 đứa con trai lành lặn trở về. Tôi được nghe kể lại rằng, khi cả nhà đang chuẩn bị vào mâm cơm tất niên, mọi người thấy một anh bộ đội khoác ba lô vào nhà. Mọi người tròn mắt vì chưa nhận ra ai, đến khi bác bỏ ba lô và chiếc mũ tai bèo ra, cả nhà như vỡ òa: bác Hai về!...

Khỏi phải nói năm đó nhà tôi vui như thế nào. Dòng họ, làng nước và cả nhà ông bố nuôi thứ 2 kia cũng đến chúc mừng. Qua câu chuyện bác kể, mọi người mới hay, sau khi được “gả” Thái Nguyên lần 3, bác cũng giúp bố mẹ nuôi có thêm con đẻ.

Ngày ấy dù rất nhớ gia đình tôi, nhưng do xa xôi, bác không thể quay về. Rồi như bao thanh niên thời chiến, đến tuổi - bác vào bộ đội và chiến đấu trong chiến trường Tây Nam. Hòa bình lập lại, bác quay về Thái Nguyên thăm bố mẹ nuôi mấy tuần rồi xin phép quay về “vạch xuất phát” là nhà ông bà nội tôi... Mỗi lúc vui chuyện, bác Hai thường nói việc trở lại gia đình ông bà nội tôi với bác là “châu về Hợp Phố”…

Rồi bác Hai lấy vợ và sinh sống cùng ông bà nội tôi với tư cách là con cả. Do có nghề mộc trong tay, vợ chồng bác mua đất mở xưởng sản xuất và làm ăn rất hiệu quả.

Kinh tế gia đình vững vàng, vợ chồng bác Hai chăm lo cho ông bà nội tôi hơn gấp nhiều lần con đẻ. Rồi ông bà nội tôi lần lượt qua đời, thay mặt các em, bác Hai lo tang ma một cách chu toàn. Gần đây khi tuổi cao, không rõ bằng cách nào, bác thuyết phục được người hàng xóm nhượng lại mảnh đất cạnh nhà cũ của ông bà nội, rồi mua gỗ, dựng một ngôi nhà thờ đẹp nhất nhì làng…

Làng trong, xóm ngoài ai cũng khâm phục và quý mến cách sống của bác Hai. Còn về phía gia đình tôi, bác Hai luôn được các em kính trọng, và là chỗ dựa cho con cháu gần xa...

Ái Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-hai.html