Bác Hồ, bài thơ Xuân Giáp Ngọ và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

70 năm về trước, ngày 1/2/1954, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bác Hồ đã gửi thư chúc Tết với lời chúc 'Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công'.

Và lời Bác đã là lời tiên tri, ngày 7/5/1954, sau 9 năm ròng rã bền gan kháng chiến, quân, dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Từ những vần thơ “tiên cảm” của Bác trước lúc Xuân sang

Lúc sinh thời mỗi khi Tết đến, xuân về, dù bận trăm công ngàn việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đối nội, đối ngoại... Bác vẫn dành thời gian và tâm huyết để sáng tác nhiều bài thơ mừng Xuân mới. Như lời đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ: “Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới, mỗi lần xuân đến. Ðó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc thơ Xuân”.

Và mùa Xuân Giáp Ngọ 1954 cũng không là ngoại lệ. Xuân Giáp Ngọ (1954) là thời kỳ đất nước ta đang trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đẩy mạnh cuộc kháng chiến giành thắng lợi, và tiến hành cải cách ruộng đất để dân cày có ruộng, tạo thành hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường lập nên chiến công. Bởi vậy, tâm điểm trong bài thơ chúc Tết Giáp Ngọ 1954 là việc Bác chỉ ra cho quân, dân ta “hai nhiệm vụ rành rành”.

Bác viết: “Năm mới, quân và dân ta có hai nhiệm vụ rành rành/Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do/Cải cách ruộng đất là công việc rất to/Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn/Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông/Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

 Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bài thơ ngắn gọn có 81 từ, viết theo thể tự do có 8 câu, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, lời thơ mộc mạc, gần gũi, thân quen nhưng chứa đựng cả một chủ trương lớn của Đảng cùng niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong giai đoạn quyết chiến chiến lược. Đó là: Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc và thực hiện cải cách ruộng đất để người dân có ruộng, từng bước thoát khỏi nghèo nàn. Lời thơ chúc Tết của Bác vừa là mừng xuân, vừa nêu nhiệm vụ, căn dặn, chỉ bảo cụ thể. Bác kêu gọi “quân dân ta nhất trí kết đoàn” thực hiện tốt “hai nhiệm vụ rành rành” là “kháng chiến, kiến quốc”.

Tới vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói đến vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ trước hết phải nói tới tầm nhìn, nhãn quan chiến lược tuyệt vời của Bác. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã bàn bạc, thống nhất thông qua phương án tác chiến trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954.

Trong phiên bế mạc cuộc họp, Bác đã nhấn mạnh: “Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, về hướng hoạt động, phải lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: TL

Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chủ tịch lại một lần nữa được minh chứng khi tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, Bác nhận định tình hình “ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động”. Từ đó, Người đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Quyết định này có thể coi là đòn quyết định tới cục diện cuộc chiến sau này.

Thắng lợi “choáng ngợp năm châu” của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm còn là bởi những quyết sách hết sức quyết đoán và linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đơn cử như trong việc giao nhiệm vụ. Đó là việc tháng 1/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp, quyết định bộ máy chỉ huy chiến dịch, kế hoạch điều động quân chủ lực lên Tây Bắc, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nắm toàn quyền về quân sự: Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó là việc cho phép vị Đại tướng trẻ: “Trao cho chú quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”.

Theo nhìn nhận của các sử gia, chính lời dặn dò, sự quyết đoán và linh hoạt ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí hết sức sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực tế chỉ huy Chiến dịch, trong đó có quyết định lịch sử từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, đem lại thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Một quyết định nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng được xem là mang yếu tố quyết định tới sự thành bại của cuộc kháng chiến là việc “huy động sức mạnh toàn quốc cho chiến dịch”. Và thực tiễn đã khẳng định: Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngoài việc phán đoán, nhận định tình hình, linh hoạt trong giao nhiệm vụ, vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

Tết Giáp Ngọ (1954), Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

Ngay khi chiến dịch sắp bắt đầu, Người đã gửi thư cho bộ đội ở Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang, Bác tin chắc chắn rằng các chú sẽ phát huy những thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, ngày 15/3/1954, Người gửi bức điện khen ngợi các chiến sĩ Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương có lời khen các đồng chí. Các đồng chí chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

 Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 8/5/1954, chỉ một ngày sau khi các chiến sĩ ta đã đánh chiếm Sở Chỉ huy của địch, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Chỉ huy của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi, Người đã viết thư khen ngợi: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Từ tầm nhìn, sự lãnh đạo đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Như khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Những vần thơ tiên cảm của Bác Hồ trong mùa Xuân Giáp Ngọ năm ấy, đã trở thành hiện thực.

Anh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bac-ho-bai-tho-xuan-giap-ngo-va-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-post281842.html