Bác Hồ chúc Tết bộ đội
Trong bài Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt (Báo Nhân Dân, số 47-48, ngày 3-3-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 'Theo phong tục ta, ngày Tết là một ngày rất quan trọng. Trên thì cúng bái tổ tiên, dưới thì sum họp gia đình'.
Chính vì sự thấu hiểu như vậy cho nên mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trong chương trình đi thăm chúc Tết nhân dân, Bác luôn dành thời gian đến với các đơn vị bộ đội, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, những người vì nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân mà không được sum họp với gia đình nhân Tết cổ truyền của dân tộc.
Mỗi chuyến đi thăm, chúc Tết bộ đội của vị lãnh tụ tối cao, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đều thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục, là nguồn động viên to lớn để cán bộ, chiến sĩ các lực lượng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tết Bính Tuất 1946 là Tết đầu tiên của nước nhà sau gần 100 năm nô lệ. Sau khi đã đi chúc Tết một số gia đình ở Thủ đô Hà Nội, đêm Giao thừa, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi điện đến Bộ Tổng Tham mưu mới được thành lập để chúc Tết. Đúng lúc ấy, đồng chí trực máy lại bỏ đi đâu đó cho nên không có người đáp lời. Sáng sớm mồng 1 Tết, Bác lại gọi điện xuống Bộ Tổng Tham mưu thì đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mới biết chuyện. Đồng chí kể: "Bác chúc Tết chúng tôi một cách thân thương rồi Bác phê bình: Là cơ quan tham mưu mà mất cảnh giác là không được. Cán bộ cơ quan tham mưu phải làm gương cho toàn quân về tinh thần cảnh giác và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ quy định".
Tết Nguyên đán năm 1963, Bác đến thăm Đại đội 129, Trung đoàn 206 Bộ đội Phòng không, đóng quân tại Tiên Hội, Đông Anh, Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ đang lúi húi xây dựng vườn hoa thì Bác đến. Anh em vui mừng vây xung quanh Bác. Người nhìn các chiến sĩ trẻ, âu yếm hỏi: “Tết mỗi chú được bao nhiêu bánh chưng"? Mọi người trả lời: Thưa Bác, được hai chiếc ạ. Bác rất hài lòng. Bác nhìn quanh rồi chỉ vào những cây phi lao mới trồng, cạnh vườn hoa nhỏ và tươi cười khuyên: Phi lao nên trồng ngoài hàng rào, còn xà cừ trồng ngoài cổng doanh trại, tính từ cổng ngược xuôi 500m trồng cây nào các chú phải chăm sóc cho được cây ấy. Sau đó, Bác đi xem nơi ăn, chốn ở của đơn vị. Bác khen nhà bếp sạch nhưng phê bình nhà ngủ chưa gọn và nhắc nhở: "Dù là chủ nhật, dù là ngày Tết “nội vụ” cũng phải gọn gàng".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội 2 Công binh Quân khu 3 đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, xây dựng các công trình quốc phòng, bắn rơi máy bay Mỹ. Là đơn vị tiên tiến trong phong trào thi đua “Ba nhất”, cán bộ chiến sĩ đại đội đã nghiên cứu, học tập tìm cách bắc cầu qua sông cho nhanh chóng, an toàn, thuận lợi trong mọi tình huống. Và vinh dự đã đến khi sáng mồng 1 Tết Nguyên đán Bính Ngọ 1966, Bác đã tới thăm và nói chuyện với Tiểu đoàn 27 Bộ đội Công binh, Quân khu 3. Sau khi nghe báo cáo của Tiểu đoàn trưởng Lưu Văn Thập, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ của bộ đội. Sau đó, Bác đi thăm nhà bếp, nhà ăn, nhà ngủ, hầm hố phòng tránh bom đạn của đơn vị. Bác dừng lại ở từng nhà, xem kỹ giường nằm, chăn màn như có ý xem bộ đội có đủ điều kiện chống lại cái lạnh của mùa đông không. Một số cán bộ và chiến sĩ “rồng rắn” đi theo Bác. Thương yêu nhìn bộ đội vây quanh mình, Bác nói: "Đầu năm, Bác đến chúc Tết các chú. Năm vừa qua đơn vị đã đạt được một số thành tích. Nhưng không được thỏa mãn, chủ quan. Phải đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi hơn nữa. Phải yêu quý, gìn giữ vũ khí, xe, máy, không được để hư hỏng, mất mát, lãng phí, tham ô... Năm nay là năm ngựa, chúng ta phải phi nước đại, tiến nhanh như thiên lý mã của Triều Tiên, lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa".
Tiếp đó, Bác đến thăm trận địa trung đội súng máy phòng không đang bảo vệ khu vực đê Mai Lĩnh, Hà Nội. Từ xa, các chiến sĩ đã nhận ra ngay cụ già từ trong chiếc xe sau bước xuống là Bác Hồ vô cùng kính yêu. Không nén được vui mừng, cả trung đội cùng reo lên: Bác Hồ! Mặc dù trời mưa, đường trơn, Bác vẫn nhanh nhẹn vào trận địa. Chỉ trong giây lát, cả trung đội đã tập hợp quanh Bác. Chân đi dép lốp, đầu đội mũ vải, Bác cứ đứng dưới mưa phùn nói chuyện với anh em. Giọng Bác ấm áp, hiền từ như một người ông nói với đàn cháu nhỏ.
Bác hỏi: - Các chú khỏe chứ? Có đủ ấm không? Các chú ăn Tết có những gì? Anh em đồng thanh đáp: "Thưa Bác, nhiều lắm ạ". Một đồng chí cán bộ thay mặt đơn vị báo cáo: "Dạ thưa Bác, chúng cháu khỏe, đủ ấm, Tết chúng cháu có bánh chưng, có thịt, có giò, có cả thịt gà nữa"...
Bác lại hỏi: "Thế có nước mắm ớt không"?
Câu hỏi của Bác làm cả trung đội cười ầm lên thích thú và cảm động. Nghe những câu hỏi của Bác, nhìn cặp mắt hiền từ của Bác càng thấy tấm lòng yêu thương của Bác đối với bộ đội như người mẹ hiền. Bác còn tặng đơn vị thiệp chúc mừng năm mới, chia kẹo cho bộ đội, căn dặn mọi người không sợ khó, không sợ hy sinh và chúc đơn vị bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Tết năm 1967, khi anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vào thăm bộ đội và nhân dân các tỉnh Quân khu 4, Bác nhắc nhở đem tặng anh em bộ đội từng bánh thuốc lào, từng gói ruốc bông, từng thùng mỡ nước, từng tờ giấy cho chiến sĩ viết thư... Ngày anh Văn lên đường, mới 4 giờ sáng, Bác đã đến nhà anh, dặn dò anh chuyển lời Bác chúc Tết đồng bào, cán bộ và bộ đội, Bác gửi cả thiệp mừng xuân. Bác hỏi lại lần cuối xem những thứ bộ đội cần đã đem theo đủ chưa? Bác bảo: "Bộ đội chiến đấu ở trong đó căng thẳng nhiều, nhớ đem kha khá thuốc lào, giấy viết và mỡ để biếu các chú ấy".
Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn quan tâm đến những điều rất đỗi nhỏ nhặt, đời thường như vậy, đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với bộ đội nói riêng, với toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.
VŨ THỊ KIM YẾN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bac-ho-chuc-tet-bo-doi-812359