'Xanh hóa Trường Sa'
Những ngày đầu năm 2025, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhân dịp Xuân Ất Tỵ. Đến đây, ai cũng ngỡ ngàng trước màu xanh của cây cối lâu năm, vườn, giàn rau xanh quanh đảo. Đó là việc làm hiệu quả của quân dân đảo xa khi thực hiện chương trình 'Xanh hóa Trường Sa'.
Trước khi xuống tàu ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi được Đại tá Lê Đình Hải, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), cho hay: Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Việc phủ xanh các đảo có ý nghĩa rất lớn để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế quốc phòng; xây dựng cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu, tạo bóng mát, những phên giậu che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ, chiến đấu, tăng gia, bảo đảm rau xanh cho quân và dân trên đảo….
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tích cực tuyên truyền, vận động các nguồn hỗ trợ cây xanh, vật tư, kinh phí để thực hiện phủ xanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Các lực lượng phối hợp đã ươm, chiết và huy động hỗ trợ hàng vạn cây xanh; hàng trăm tấn phân bón, đất dinh dưỡng; xây dựng nhiều vườn ươm cây giống như dừa, phi lao, tra, mù u, bàng quả vuông và nhiều loại cây ăn quả khác.
Điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi trong hải trình này là đảo Trường Sa. Thượng tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ: Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã được đơn vị triển khai nhiều năm trước đây, nhưng tập trung đồng bộ, cao điểm nhất đầu tháng 8-2023. Để làm tốt nhiệm vụ này, các tổ chức chính trị đồng loạt vào cuộc, trong đó tổ chức đảng đã ra nghị quyết chuyên đề về “Xanh hóa Trường Sa”.
Theo Thượng tá Phạm Tiến Điệp, có hai nguồn trồng cây xanh ở Trường Sa. Nguồn thứ nhất là nhờ tài trợ từ đất liền, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng cây giống, các trang thiết bị như nhà mái che, nhà kính… Các cây giống trồng đại trà ở đây là cây phi lao (cây dương), cây dừa. Ngoài ra, ở Trường Sa còn trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như mãng cầu, ổi, xoài, sa kê… Nguồn thứ hai là đơn vị xây dựng vườn ươm khoảng 200m2 do cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo ươm trồng. Người dân lấy hạt, quả của các cây bàng vuông, mù u, tra, phong ba, bão táp… để ươm cây. Với phương châm “Ở đâu cần cây, đảo Trường Sa sẽ hỗ trợ giống cây”. Vườn ươm đã cung cấp hàng nghìn cây giống mỗi năm cho các đảo Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài… Ngoài ra, đơn vị còn trồng nhiều cây muống biển để cung cấp cho các đảo có nhu cầu phủ xanh.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm ở đây, Thượng tá Phạm Tiến Điệp khẳng định, thời gian tới, đơn vị tiếp tục bổ sung trồng cây ở những khu vực đất còn trống và những chỗ cây kém phát triển. Thí điểm, nhân rộng trồng những loại cây ăn quả như chuối, đu đủ, khế, sung, mãng cầu, dừa,… Để duy trì đủ số lượng cây xanh, hằng năm, đơn vị giao chỉ tiêu cho mỗi chiến sĩ có ý thức, trách nhiệm trồng, chăm sóc sống được 5-10 cây. Với cán bộ, số lượng cây trồng sẽ nhiều hơn.
Điểm đặt chân tiếp theo của đoàn công tác là đảo An Bang. Nơi đây được mệnh danh là hòn đảo đặc biệt, nơi có bãi cát vàng - đồng hồ cát xoay theo chiều gió. Thiếu tá Dương Ngọc Tấn, Chính trị viên đảo An Bang cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 146, các cơ quan chức năng và tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã thực hiện hiệu quả chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Cùng với nguồn giống cây trên cấp, đơn vị chủ động ươm hạt, chăm sóc cây mầm lớn lên khoảng 30-50cm thì sẽ mang ra trồng những nơi đất trống trên đảo. Với những cây hiện có, đơn vị phân công, giao nhiệm vụ cho từng người chăm sóc, cắt tỉa cành, che chắn gió cho cây phát triển tốt, không để cây bị sâu bệnh. Vườn ươm của đơn vị luân chuyển, gối tiếp từ 80 đến 100 cây, khi cây lớn là đem trồng xung quanh đảo. Mỗi tháng đơn vị duy trì ươm, chiết được 20-30 cây mới. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, độ mặn của nước biển cao, gió lớn nên có những cây bàng vuông, cây dừa trồng được 5-10 năm nếu không che chắn gió cẩn thận vẫn có thể chết…”.
Cùng với việc trồng cây xanh trên đảo, cán bộ, chiến sĩ còn tự túc trồng rau xanh các loại, củ, quả, cho năng suất cao, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Để trồng được rau xanh quanh năm, theo Thiếu tá Dương Ngọc Tấn, cách đây mấy năm, đơn vị được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tặng 3 nhà mái che với tổng diện tích gần 160m2. Đơn vị tận dụng vật liệu dư thừa làm thêm một nhà che chắn gió khoảng 20m2 để dựng giàn bầu, bí, mướp, trồng thêm mồng tơi, rau cải, rau muống, rau bầu đất…
Binh nhất Lê Đức Ngàn (sinh năm 2005), quê ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, là chiến sĩ thuộc Phân đội 3, đảo An Bang. Chiến sĩ Lê Đức Ngàn là một trong ba thành viên của Tổ Cây xanh của đảo, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, còn đảm nhiệm chăm sóc, trồng, ươm cây trên đảo. “Buổi sáng thường ngày chúng tôi tưới nước cho cây, cắt tỉa những cành cây khô, nhặt lá khô, phun thuốc diệt rệp… Trước khi nhập ngũ, tôi có tham gia trồng cây ở địa phương. Đầu tháng 8-2024, tôi nhận nhiệm vụ ra công tác tại đảo An Bang. Đến nay tôi đã chiết, ươm được khoảng 20 cây bàng vuông, 30 cây phi lao, 10 cây đa… Việc chăm sóc cây ở đây phải rất cẩn thận, bởi mưa gió thất thường. Khi có mưa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải huy động lực lượng che đậy cây cẩn thận, đặc biệt là những chậu rau”, chiến sĩ Lê Đức Ngàn bộc bạch.
Trong hải trình ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống tại huyện đảo Trường Sa vào thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, chúng tôi may mắn được đặt chân lên nhiều đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ở đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh của cây cối. Chia tay cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, trong lòng chúng tôi ai nấy đều xúc động. Và hơn thế là tình đoàn kết quân dân nơi đầu sóng, ngọn gió đã góp phần làm nên thành công của chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.
Bài và ảnh: THÁI KIÊN
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/xanh-hoa-truong-sa-813594