Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên Phong

Bức phù điêu 'Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong' vừa được hoàn thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Công trình có ý nghĩa lịch sử, khắc ghi chân lý độc lập dân tộc gắn liền với dựng nước và giữ nước, đúc rút từ lời dạy của Bác Hồ.

Lời dạy của Bác

Ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) đã vinh dự được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ. Tại đền Hùng, Bác Hồ đã nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, cùng câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu

Để ghi nhớ và thực hiện lời dặn của Bác Hồ và thể theo nguyện vọng của Nhân dân, năm 2001, Khu di tích lịch sử đền Hùng được Bộ Quốc phòng công đức xây dựng công trình bức phù điêu tại khu vực ngã 5 đền Giếng, quy mô công trình có chiều rộng 11,71m, chiều cao là 7,58m với chất liệu bằng các khối đá ghép lại, thể hiện tác phẩm nghệ thuật điêu khắc toàn cảnh Bác Hồ ngồi nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại trước cửa đền Giếng.

Từ khi công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, được Nhân dân, các cơ quan tổ chức, lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên đến tham quan, dâng hoa để khắc ghi lời căn dặn của Bác.

Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong”.

Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong”.

Mặc dù vậy, theo người dân sinh sống gần Khu di tích lịch sử đền Hùng, 20 năm trước, khu vực ngã 5 đền Giếng chỉ là một con đường nhỏ hẹp, bức phù điêu vẫn giữ được nguyên khối, nhưng trải qua thời gian, một số chỗ đã xuất hiện các vết nứt, vết ố, các công trình xung quanh cũng xuống cấp, không phù hợp với cảnh quan khang trang, rộng rãi như bây giờ".

Để tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời để bảo đảm trang trọng, điều kiện tốt nhất phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân tổ chức thực hiện nghi lễ dâng hoa tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ đã có công với đất nước, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng đã tham mưu, báo cáo với các cấp lãnh đạo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công đức tu bổ, tôn tạo nâng cấp bức phù điêu bằng chất liệu đồng.

Sau khoảng hơn 9 tháng thi công xây dựng, đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành bảo đảm tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật, đủ điều kiện bàn giao đưa dự án vào khai thác. Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng Lê Trường Giang, công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” có 3 hạng mục gồm: Hạ giải toàn bộ bức phù điêu bằng đá hiện trạng được xây dựng từ năm 2001 di chuyển đến lắp ghép lại tại sân Bảo tàng Quân khu 2; tu bổ, tôn tạo bức phù điêu mới; hệ thống hạ tầng cảnh quan sân, vườn, điện chiếu sáng, cây xanh được chỉnh trang bố trí đồng bộ cho công trình theo thiết kế.

Địa chỉ đỏ

Dự án tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” được giữ nguyên trên cơ sở bức phù điêu cũ bằng đá cẩm thạch, nhưng được mở rộng quy mô hơn. Bức phù điêu hình vòng cung có chiều dài 28,16m, cao 9,2m và được thay thế bằng hợp kim đồng dày trung bình 1,5cm. Sau khi đúc tại xưởng, các mảnh của bức phù điêu được lắp dựng, hàn ghép trực tiếp tại hiện trường; liên kết với tường vách bê tông cốt thép và qua hệ thống khung giàn thép hộp.

Trung tâm của bức phù điêu khắc họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng.

Trung tâm của bức phù điêu khắc họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng.

Trung tâm của bức phù điêu khắc họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong) tại đền Giếng với lời căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hai bên góc bức phù điêu là hình ảnh “Rừng cọ đồi chè” - biểu tượng du lịch sinh thái, cảnh quan của đất Phú Thọ.

Chị Phạm Thu Hương (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã xem thông tin trên báo, biết thông tin phù điêu tại đền Giếng được tu bổ. Nay đến đây, được tận mắt chứng kiến và khá bất ngờ vì vẻ đẹp của phù điêu, các họa tiết. Bức phù điêu đã góp phần tạo dựng cảnh quan cho ngã 5 đền Giếng trở nên hoàn chỉnh, xứng tầm là Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia”.

Dự án công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” hoàn thành và sau khi bàn giao sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng. Bức phù điêu là nơi các tầng lớp Nhân dân ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hằng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-ho-voi-dai-doan-quan-tien-phong.html