Bắc Kạn cần đầu tư tương xứng cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã hứng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Đáng lo ngại là hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các trạm khí tượng thủy văn (KTTV) của địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Dù hệ thống sông, suối dày đặc nhưng Bắc Kạn hiện chỉ có 4 trạm thủy văn đo đạc thủ công, gồm 3 trạm trên sông Cầu và 1 trạm trên sông Năng. Trong đó trạm sông Năng đặt tại khu vực chưa có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại di động và giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Ngoài ra, Bắc Kạn cũng chỉ có 3 trạm khí tượng đặt tại thành phố Bắc Kạn và hai huyện Ngân Sơn, Ba Bể; 9 trạm đo mưa tự động cùng 1 trạm khí tượng bề mặt chuyên dùng được xây dựng tại Vườn Quốc gia Ba Bể nên chưa đáp ứng được nhu cầu theo dõi tình hình khí tượng thủy văn tại các huyện và khu vực rừng đặc dụng khác.
Theo đánh giá của tỉnh Bắc Kạn: Hệ thống trạm khí tượng thủy văn chưa phù hợp với mục đích dự báo chi tiết cho các vùng, các khu vực dân cư, khu du lịch, sản xuất… đặc biệt là đối với các vùng thường xuyên xảy ra lũ, lũ quét. Hệ thống này cũng chưa đáp ứng được thông tin dữ liệu KTTV cho các đơn vị tham mưu của tỉnh trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ phát triển bền vững, ổn định đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bắc Kạn cho đánh giá: “Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn hiện có của Bắc Kạn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 yêu cầu thôi, vì chỉ có 3 trạm khí tượng ở 3/8 huyện thành phố, chúng tôi phải phân vùng ra, là vùng núi cao, vùng núi thấp và khu vực trung tâm, buộc phải gộp lại như vậy nên độ chính xác không cao. Đáng ra ít nhất mỗi huyện phải có một trạm như vậy, vì mỗi trạm khí tượng thủy văn chỉ đại diện cho thông tin khí hậu, thời tiết một khu vực thôi, không thể bao quát được. Ví dụ hiện tượng dông, sét chỉ xuất hiện ở một khu vực rất nhỏ thôi”.
Tháng 9/2023, Bắc Kạn đã thông qua Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bắc Kạn sẽ phát triển thêm 4 trạm khí tượng và 8 trạm thủy văn chuyên dùng đồng thời nâng cấp 2 trạm thủy văn hiện có; Giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư thêm 1 trạm khí tượng và nâng cấp 1 trạm thủy văn chuyên dùng. Tuy nhiên đến thời điểm này, do thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa có bất cứ công trình nào được khởi công.
Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt phức tạp, lại là tỉnh đầu nguồn của nhiều hệ thống sông, suối nên hàng năm, Bắc Kạn chịu nhiều tác động tiêu cực của các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, dông sét, mưa đá hay rét hại, băng giá… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Đới Văn Thiều, Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi và PCLB - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Về thiết bị, hiện chúng tôi đã quản lý gần 100 trạm đo mưa tự động, một số hệ thống đo mực nước nhân dân, đo mực nước của đài khí tượng thủy văn… cơ sở đó để cảnh báo, dự báo. Tuy nhiên về điều kiện còn thiếu khá nhiều, ví dụ như chưa có bản đồ ngập lụt, bản đồ sạt trượt… cũng gây không ít khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo thiên tai”.
Chỉ từ đầu mùa mưa lũ đến nay, Bắc Kạn đã có 8 người chết, hàng trăm căn nhà cùng nhiều diện tích hoa màu bị sạt lở, ngập úng do mưa lũ. Do đó, việc sớm bố trí nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn sẽ giúp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nâng cao hiệu quả công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.