Bác sĩ cảnh báo khi gia tăng ca cúm mùa

Thời gian gần đây, gia tăng số lượng các bệnh nhân mắc cúm mùa. Bệnh thường sẽ tự khỏi, nhưng nhiều trường hợp dẫn đến biến chứng, bệnh nặng và có thể tử vong. Ngành y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bệnh nhân Hoàng Sỹ Dung, (73 tuổi, ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh trong tình trạng khó thở, ho nhiều kèm theo sốt, mỏi mệt… Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A trên nền viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Sau 4 ngày điều trị hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh kiểm tra sức cho bệnh nhân cúm

Bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh kiểm tra sức cho bệnh nhân cúm

Tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh, gần một tháng nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm đến khám tại bệnh viện tăng đột biến, với các triệu chứng chủ yếu như sốt, ho, viêm đường hô hấp. Bệnh nhân đến khám ở nhiều các lứa tuổi khác nhau.

Bác sĩ Lê Quân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh cho biết, số bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể sẽ nhiều hơn do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ rằng đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị.

Một số triệu chứng điển hình thường gặp của cúm mùa như sốt trên 38 độC, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng, khó thở… Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ nhưng cũng có thể biến chứng nặng; nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

"Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, căn cứ vào tình hình, triệu chứng của người bệnh, những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện điều trị hoặc được tư vấn chuyển tuyến để có biện pháp điều trị phù hợp hơn. Đối với các trường hợp nhẹ thì kê đơn uống thuốc về theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời khuyến cáo người bệnh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh cho hay.

Siêu âm kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cúm có bệnh nền tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Siêu âm kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cúm có bệnh nền tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30- 40 bệnh nhân mắc cúm đến khám và nhập viện điều trị, trong đó hầu hết là người lớn tuổi và trẻ em. Sau khi thăm khám, đối với những người có triệu chứng nhẹ thì điều trị ngoại trú, những trường hợp biến chứng hô hấp nghiêm trọng được nhập viện điều trị.

Bác sĩ Đặng Thị Lý, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thực tế cho thấy, những người lớn tuổi bị cúm kèm theo bệnh lý nền dễ dẫn đến các biến chứng phức tạp, việc điều trị cũng gặp khó khăn rất nhiều nhất là các bệnh nền như viêm phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh nhân đặt Sten mạch vành...

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các chủng virus cúm A, B, C gây ra, xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt mùa đông xuân. Bệnh dễ lây lan từ người sang người và gây ra các triệu chứng sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng, chảy nước mũi.

Bệnh cúm mùa khó phòng ngừa và gây ra nguy cơ tử vong, đặc biệt với người lớn tuổi. Khác với cảm thông thường, virus cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm mùa và thường có diến biến nặng.

Người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm mùa và thường có diến biến nặng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 15.355 trường hợp mắc cúm, cao gấp hơn 1.5 lần so với năm 2023.

Chỉ tính trong tháng 1 năm 2025, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.400 trường hợp cúm, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Các bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.

Nhiều bệnh nhân mắc cúm còn rất nhỏ.

Nhiều bệnh nhân mắc cúm còn rất nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết, bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ CDC Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân trước tiêm vaccine phòng cúm.

Bác sĩ CDC Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân trước tiêm vaccine phòng cúm.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh khuyến cáo, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần mặc ấm, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối ấm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm. Tăng cường tập thể dục, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh hoặc kháng virus để điểu trị.

Nhật Thắng - Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-canh-bao-khi-gia-tang-ca-cum-mua-169250210152306773.htm