Cách nào hạn chế răng sứ xỉn màu?

Răng sứ được thiết kế từ sứ hoặc sứ kết hợp với kim loại. Về lý thuyết, vật liệu này sẽ không bị xỉn màu theo thời gian như răng tự nhiên, nhưng thực tế răng sứ bị xỉn màu vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân...

Nguyên nhân khiến răng sứ xỉn màu

Thông thường, răng sứ được chế tác từ phôi sứ nguyên chất, bề mặt răng sứ còn được phủ lớp men chống ố và kháng khuẩn công nghệ cao. Do đó, răng sứ sẽ không bị ảnh hưởng của màu thực phẩm như răng thật. Vì vậy răng sứ sẽ không bị ố vàng, xỉn màu một thời gian sử dụng.

Trong khi đó, bề mặt men răng thật thường có nhiều lỗ nhỏ li ti, nên có thể bị ảnh hưởng từ màu của thức ăn, thức uống hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi bọc răng sứ vẫn xỉn màu sau một thời gian, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ bền của răng.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:

- Chế tác răng sứ sai tỷ lệ: Thông thường, răng sứ không được làm sẵn mà ở dạng bột hoặc keo. Chất liệu này được bảo quản trong hộp đậy nắp kín nên công đoạn chế tác mão răng giữ vai trò quan trọng, quyết định răng sứ có bị xỉn màu không.

Nếu kỹ thuật viên pha trộn tỷ lệ men sứ cần phủ lên răng chính xác, đúng quy trình... không làm giảm chất lượng chống ố vàng thì nguy cơ răng bị ố sau này sẽ được khắc phục. Nếu kỹ thuật viên pha trộn sai thì nguy cơ răng bị ngả màu sẽ xảy ra.

Ngoài ra, nếu kỹ thuật lắp đặt răng sứ không được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao sẽ dẫn đến bề mặt răng không đồng đều. Hoặc gắn kết với răng thật không chặt, có khe hở, tạo điều kiện cho vết bẩn tích tụ và làm răng sứ bị xỉn màu.

Nếu quy trình pha trộn men răng và kỹ thuật lắp răng tốt sẽ hạn chế được nguy cơ xỉn màu cho răng sứ.

Nếu quy trình pha trộn men răng và kỹ thuật lắp răng tốt sẽ hạn chế được nguy cơ xỉn màu cho răng sứ.

- Sử dụng răng sứ kém chất lượng: Trên thị trường có rất nhiều loại răng sứ với các chất liệu và giá thành khác nhau. Các loại răng sứ kim loại, titan, cercon, emax press... của nhiều nhãn hàng khác nhau. Các sản phẩm chất lượng tốt, tuổi thọ lâu bền và độ tương thích sinh học cao thì sẽ không bị xỉn màu, nếu răng chất lượng kém sẽ bị xuống màu theo thời gian, thậm chí chất liệu răng sứ kim loại còn lộ viền đen quanh nướu.

- Vệ sinh răng miệng sai cách: Thời gian xuống màu, ố vàng của răng sứ còn phụ thuộc vào việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng tại nhà của mỗi người. Nếu tuân thủ đúng mọi hướng dẫn của bác sĩ sau khi bọc sứ, có thể kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ xuống màu của răng.

- Chế độ ăn uống: Mặc dù màu của răng sứ không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm nhiều như răng thật, nhưng nếu thường xuyên sử dụng thực phẩm và đồ uống đậm màu như cà phê, trà, rượu vang, nước ngọt, hút thuốc lá... hoặc các món ăn chứa phẩm màu có thể làm răng sứ bị xỉn màu.

Khi sử dụng thường xuyên mà không làm sạch kịp thời, đặc biệt nếu chọn chất liệu răng sứ kém chất lượng... thì các vết màu này sẽ tích tụ và khiến răng sứ bị xỉn màu mất đi độ sáng bóng ban đầu.

- Thời gian sử dụng: Trung bình răng sứ có tuổi thọ khoảng 10 năm và dù có được chăm sóc cẩn thận vẫn có nguy cơ bị đổi màu theo thời gian do các tác động và sự hao mòn của lớp phủ bên ngoài.

2. Cách phòng ngừa răng sứ bị xuống màu

Để bảo vệ khỏi răng sứ không bị xỉn màu, giữ được độ sáng bóng và độ bền của răng, nên chú ý một số điều sau:

- Chọn cơ sở nha khoa uy tín: Trước khi quyết định bọc răng sứ, cần tìm hiểu và lựa chọn một cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao để bảo đảm được bọc, lắp răng chuẩn, không xảy ra sai sót kỹ thuật. Chọn loại răng sứ được chế tạo từ vật liệu tốt sẽ giảm thiểu nguy cơ bị xỉn màu và duy trì độ bền lâu dài.

- Thay đổi thói quen ăn uống: Giảm thiểu ăn các thực phẩm và đồ uống có khả năng làm ố vàng răng như cà phê, trà, nước ngọt có gas, rượu vang đỏ, các thức ăn chứa phẩm màu. Sau khi ăn các thực phẩm này nên súc miệng hoặc đánh răng ngay để loại bỏ các chất bẩn bám lâu trên răng.

Bảo vệ răng sứ không bị xuống màu cần chăm sóc răng miệng thật tốt...

Bảo vệ răng sứ không bị xuống màu cần chăm sóc răng miệng thật tốt...

- Chăm sóc răng miệng: Mỗi ngày chải răng ít nhất 2 lần vào buổi sáng và tối. Sử dụng bàn chải mềm và không sử dụng kem đánh răng có chất tẩy rửa mạnh để bảo vệ bề mặt răng. Sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ thức ăn bám ở kẽ răng và làm sạch các mảng bám. Không sử dụng tăm truyền thống vì nguy cơ làm tổn thương lợi. Sử dụng tăm nước là tốt nhất giúp ngăn ngừa sự tích tụ vi khuẩn và mảng bám trên răng sứ.

- Khám răng định kỳ: Mỗi 6 tháng nên định kỳ đi khám và vệ sinh răng ở phòng khám nha khoa, kể cả khi không nhận thấy dấu hiệu bất thường ở răng miệng. Mặc dù việc chăm sóc răng miệng hằng ngày tại nhà có được thực hiện tốt nhưng cũng không thể loại bỏ được hết các mảng bám tại những vị trí khó. Vệ sinh răng tại phòng khám nha khoa sẽ giúp bảo vệ độ sáng bóng của răng cũng như phát hiện sớm các vấn đề cần xử lý.

Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm hỏng răng bạn.

BS.Nguyễn Văn Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-han-che-rang-su-xin-mau-169250210103820973.htm