Bác sĩ Mỹ đề xuất cơ sở phá thai nổi cho phụ nữ
Một dự án từ thiện có thể hỗ trợ phụ nữ sống tại các bang ban hành lệnh cấm phá thai tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp pháp và an toàn.
Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết Roe và Wade lịch sử, Meg Autry - một bác sĩ sản phụ khoa đồng thời là giáo sư tại Đại học California – đã đưa ra một ý tưởng về phòng phá thai “nổi” tại Vịnh Mexico. Cơ sở này có thể giúp những thai phụ ở các bang ban hành lệnh cấm phá thai đến thăm khám và làm thủ thuật một cách an toàn, hợp pháp.
Trước đó, chính sách bảo vệ quyền phá thai liên bang đã được dỡ bỏ. Trách nhiệm pháp hóa hoặc banh hành lệnh cấm được đặt lên vai chính quyền từng bang. Alabama, Mississippi, Louisiana và Texas đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm phá thai. Trong khi đó, Florida cấm phá thai sau khi thai đã được 15 tuần tuổi, với một số trường hợp ngoại lệ.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, bác sĩ sản khoa Meg cho biết một phòng khám trên tàu di chuyển tại các vùng biển liên bang nằm trong Vịnh Mexico sẽ là một sự lựa chọn tốt cho những người phụ nữ muốn chấm dứt thai kỳ sớm an toàn và hợp pháp.
Về lý, lên tàu đối với một số bệnh nhân là việc dễ dàng hơn thay vì đi đến một bang khác để được phép phá thai. “Đây là cách tiếp cận gần hơn và nhanh hơn đối với một số người, đặc biệt là đối với những người đang sống ở phía Nam nam của các bang này”, giáo sư giải thích.
Đội ngũ luật sư của bà Meg, những người dự báo sẽ gặp phải nhiều thách thức pháp lý từ các bang, vẫn đang thu thập những thông tin thuyết phục của dự án, như vị trí chính xác của con tàu được đề xuất và các cách để hiện thực hóa.
Ý tưởng này vẫn nằm trong giai đoạn gây quỹ. Tổ chức phi lợi nhuận thành lập phục vụ mục tiêu này được đặt tên là PRROWESS – từ viết tắt của “Bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ trước mối đe dọa từ pháp luật”.
Giáo sư Meg nhấn mạnh dự án này mang ý nghĩa từ thiện và hầu hết bệnh nhân đến sẽ không phải trả phí hoặc chỉ trả rất ít.
Quyết định của Tòa án Tối cao về vấn đề phá thai đã bị nhiều nhóm ủng hộ quyền phụ nữ lên án. Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden - người luôn phản đối động thái này - nói rằng đó là một "ngày buồn cho tòa án và đất nước”.