Bác sĩ Vũ Thị Chín - người cán bộ Mặt trận tận tụy với nhân dân, đất nước

Bác sĩ Vũ Thị Chín là tấm gương sáng của một trí thức yêu nước với niềm đam mê, nhiệt huyết, tài năng và tinh thần, khát vọng cống hiến hết mình cho sự nghiệp y học nước nhà.

Cống hiến cho nền Y học nước nhà

Bác sĩ Vũ Thị Chín mang trong mình dòng máu yêu nước nồng nàn từ người cha -liệt sĩ Vũ Xuân Uông - Ủy viên Thường vụ Chi hội Việt kiều cứu quốc tỉnh Thakkek (Lào), người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuổi thơ của bà trải qua những năm tháng học tập tại Lào và trường Lyceé Albert Sarraut (Pháp), nơi khơi dậy trong bà khát vọng cống hiến cho y học.

Con đường đến với ngành y của bác sĩ Vũ Thị Chín bắt đầu từ những năm tháng là sinh viên nội trú tại các bệnh viện danh tiếng ở Hà Nội như Yersin (ngoại khoa) và René Robin (đa khoa – Bạch Mai ngày nay). Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tiếng gọi của Tổ quốc đã thôi thúc người nữ sinh y khoa Vũ Thị Chín tham gia Quân y Liên khu Ba, dấn thân vào sự nghiệp cứu chữa thương, bệnh binh, góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Năm 1952, bà Vũ Thị Chín là nữ bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội.

Bác sĩ Vũ Thị Chín (người ngồi) cùng các cán bộ của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: T.H.

Bác sĩ Vũ Thị Chín (người ngồi) cùng các cán bộ của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: T.H.

Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, sau đó, bác sĩ Vũ Thị Chín du học tại Pháp. Những năm tháng học tập tại nước ngoài đã giúp bà tiếp cận với nền y học tiên tiến của thế giới, mở mang tầm nhìn và nâng cao trình độ chuyên môn.

Sau khi hoàn thành quá trình học tập ở nước ngoài, bác sĩ Vũ Thị Chín đã từ bỏ cơ hội làm việc và phát triển sự nghiệp ở Pháp để trở về nước, mang theo những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để phục vụ nhân dân. Bà công tác tại Bệnh viện tư Đặng Vũ Lạc (Hà Nội) trước khi chuyển sang Bệnh viện chống Lao Trung ương (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương), đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng khám và Trưởng khoa Nhi nội trú.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, trang thiết bị, vật tư y tế thiếu thốn, cùng với đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện, đứng đầu là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Vũ Thị Chín đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Với khả năng tiếng Pháp, bà đã nghiên cứu sâu rộng các tài liệu y khoa nước ngoài, không ngừng học hỏi, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Trong ký ức của bác sĩ Vũ Thị Chín, những ca chọc tủy xét nghiệm viêm não cho bệnh nhi vẫn còn in đậm. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, sự chính xác, cẩn trọng tối đa của bác sĩ. Bằng tất cả tâm huyết và tài năng, bà đã vượt qua những áp lực đó, cứu chữa thành công cho nhiều bệnh nhi.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, bác sĩ Vũ Thị Chín còn là một người thầy thuốc tận tâm, luôn thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau của bệnh nhân. Bà không chỉ “bắt” bệnh, chữa bệnh mà còn một bác sĩ tâm lý, biết cách trấn an, động viên tinh thần cho từng bệnh nhi và gia đình. Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của các gia đình nghèo đưa con đến bệnh viện, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm sâu sắc đã thôi thúc bác sĩ Vũ Thị Chín cố gắng hết mình, mang lại nụ cười cho những gương mặt trẻ thơ và niềm hy vọng cho các bậc phụ huynh.

Khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, Viện Chống Lao Trung ương sơ tán tại Ba Vì. Bác sĩ Vũ Thị Chín với vai trò là Trưởng phòng Y tế Nông thôn tiếp tục đem kiến thức và kinh nghiệm của mình phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại vùng sơ tán.

Là một trí thức uyên bác, không những trực tiếp khám chữa bệnh nhân, bác sĩ Vũ Thị Chín còn đam mê với công tác nghiên cứu khoa học. Bà dành thời gian, trí tuệ, tâm huyết để nghiên cứu nhiều công trình khoa học, biên soạn, dịch nhiều tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt phục vụ cho nền y học nước nhà, đặc biệt trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em, đồng hành cùng với sự phát triển của phụ nữ. Nhiều công trình, tác phẩm, bài viết của bác sĩ Vũ Thị Chín được đăng tải trên báo, tạp chí nước ngoài.

Những năm 1970 - 1984, bà công tác tại Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương và sau đó công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chức danh Phó Chủ tịch. Khi Viện Nghiên cứu, giáo dục trẻ em được thành lập, bà vẫn tham gia mảng y tế, giáo dục trẻ em lứa tuổi tiền học đường cho đến khi nghỉ hưu.

Gắn bó với công tác Mặt trận

Bên cạnh sự nghiệp y học, bác sĩ Vũ Thị Chín còn tích cực tham gia công tác Mặt trận. Bà là cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa, đóng góp tiếng nói trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của mình vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Là một trí thức được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều vị trí công tác, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân bà đã được tiếp xúc trực tiếp với nhiều đối tượng, nhiều hoàn cảnh khác nhau, có điều kiện quan sát thực tế đời sống xã hội, lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời không ngừng học hỏi, lĩnh hội, mở mang những tri thức tiến bộ của thế giới, từ đó góp tiếng nói chung vào công tác Mặt trận, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trong ký ức của bác sĩ Vũ Thị Chín vẫn còn lưu giữ không khí của những cuộc họp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiều thành phần khác nhau tham dự, trong đó có các nhân sĩ, trí thức bàn thảo về những vấn đề quan trọng của đất nước diễn ra sôi nổi, cởi mở. Đặc biệt, bà được vinh dự tham gia cùng đoàn cán bộ Mặt trận đi dự Lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1957 để góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Sau chuyến công tác ý nghĩa này, bác sĩ Vũ Thị Chín tham gia nhiều hoạt động liên quan đến công tác phụ nữ quốc tế và phong trào y tế quốc tế do các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức.

Trải qua gần một thế kỷ, bác sĩ Vũ Thị Chín đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, khi nhắc đến những thành tích của mình, bác sĩ Vũ Thị Chín luôn khiêm nhường và giản dị. Với bà, niềm hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến, được phục vụ nhân dân và chứng kiến sự phát triển của đất nước.

Trao tặng những kỷ vật gắn bó với cuộc đời công tác cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên gương mặt phúc hậu của bác sĩ Vũ Thị Chín ánh lên niềm hạnh phúc của một người nữ trí thức cao niên đã hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Bác sĩ Vũ Thị Chín sinh năm 1924 tại Lào, nguyên Trưởng phòng khám và Trưởng khoa Nhi nội trú, Bệnh viện Chống lao Trung ương (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương); nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bác sĩ Vũ Thị Chín đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, qua đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, giải thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ”, Bằng khen “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chiến sĩ Thi đua Viện Chống Lao Trung ương, Giải thưởng Nguyễn Khắc Viện và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

THU HOÀN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bac-si-vu-thi-chin-nguoi-can-bo-mat-tran-tan-tuy-voi-nhan-dan-dat-nuoc-10300410.html