Bắc Yên chú trọng giải quyết việc làm cho đồng bào thiểu số

Bắc Yên là huyện vùng cao, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số của toàn huyện. Khắc phục các điều kiện khó khăn về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề để tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Cán bộ Trường cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Yên tư vấn việc làm cho học sinh.

Cán bộ Trường cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Yên tư vấn việc làm cho học sinh.

Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phối hợp với các cơ sở giáo dục, dạy nghề tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; trồng rừng, chế biến lâm sản; kỹ thuật xây lắp, điện dân dụng; các lĩnh vực du lịch cộng đồng...

Bên cạnh đó, huyện liên kết với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tuyển dụng đào tạo nghề trình độ trung cấp song song với học văn hóa trung học phổ thông. Tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các chính sách vay hỗ trợ việc làm, để thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Hàng năm, tổ chức ngày hội việc làm để kết nối người lao động với các trường đào tạo nghề; tạo điều kiện cho lao động có tay nghề hoặc đi lao động phổ thông tại các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố.

Hiện nay, xã Làng Chếu có trên 4.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 2.000 người trong độ tuổi lao động. Xã đã cùng với Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện rà soát, giới thiệu người lao động đi học nghề tại các trung tâm đào tạo nghề và đi làm tại các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở 25 lớp tập huấn, cho trên 1.200 lượt người về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho 542 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ gần 23 tỷ đồng. Qua đó, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa có năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Ông Phàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Làng Chếu, cho biết: Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt hơn 45%; có 300 lao động của xã đi làm thuê tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/người/tháng; một số đi lao động tại Công ty chế biến than Quảng Ninh có mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.

Làm việc tại Công ty chế biến than Quảng Ninh, anh Phàng A Chính, bản Háng Cao, xã Làng Chếu, cho biết: Sau khi học xong nghề khai thác mỏ tại Trường Cao đẳng than khoáng sản Việt Nam, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại công ty. Mặc dù công việc có vất vả, nhưng tôi luôn có việc làm và thu nhập ổn định, với mức lương bình quân hơn 20 triệu đồng/tháng, các quyền lợi về an sinh, xã hội được bảo đảm đúng hợp đồng lao động đã ký với công ty.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Yên tổ chức 2 lần ngày hội việc làm, thu hút khoảng gần 3.000 người trong độ tuổi lao động tham gia, chủ yếu là lực lượng thanh niên học hết THCS và chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và Trường cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển chọn lao động đi học và làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 10 lớp đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 230 lao động là người dân tộc thiểu số; giới thiệu gần 100 lao động đi học tập tại Trường cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ kết nối việc làm cho khoảng 1.800 lao động các dân tộc; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.200 lao động nông thôn các xã. Qua đó, tạo việc làm cho gần 3.500 lao động đi làm việc tại công ty, doanh nghiệp, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, hướng nghiệp lên 45,6%.

Giải quyết nhu cầu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bắc Yên tiếp tục phối hợp với các trường đào tạo nghề, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đào tạo, tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn, tuyển dụng, tạo điều kiện cho các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, đi xuất khẩu lao động tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Đức, Úc, Canada..., giúp đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/bac-yen-chu-trong-giai-quyet-viec-lam-cho-dong-bao-thieu-so-aao79AGSR.html