Bài 1: Bùng nổ sinh hoạt gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được bảo tồn và phát huy giá trị tích cực. Tuy nhiên, không ít biểu hiện biến tướng, làm sai lệch giá trị, tổn hại đến di sản cũng đã xuất hiện.
Sinh hoạt gắn với di sản sôi nổi, rộng rãi
Thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng bản địa độc đáo của người Việt có cội rễ lịch sử, văn hóa và xã hội sâu xa, phản ánh đạo lý, phong tục, tập quán, nhân sinh quan, thế giới quan của người dân. Qua thời gian, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là sinh hoạt tâm linh mang tính nguyên hợp cao, tích hợp nhiều biểu hiện và giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Trong các sinh hoạt thờ Mẫu, tâm linh và văn hóa hòa quyện với nhau đáp ứng những nhu cầu vĩnh hằng của con người, đồng thời thể hiện những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Với các giá trị văn hóa, nghệ thuật và tâm linh đặc sắc như vậy, ngày 1.12.2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” cuối tuần qua, theo các chuyên gia, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị di sản này; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; thành lập các câu lạc bộ, tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu...
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017 - 2022 được triển khai tới các địa phương trong cả nước, góp phần phát huy các nhân tố tích cực trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đáng chú ý, vai trò của cộng đồng - chủ thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở các địa phương - được khẳng định đúng vị trí của những người giữ lửa truyền thống (chứ không phải gieo rắc mê tín dị đoan như quan niệm cũ).
PGS.TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận xét, ở phương diện thực hành, các sinh hoạt gắn với di sản trở nên sôi nổi, phổ biến rộng rãi hơn, thể hiện qua những điểm mạnh đã được cộng đồng thực hành di sản phát huy hết sức tích cực. Cụ thể, quy mô của các bản hội, số lượng thanh đồng được mở rộng và tăng lên ở các tỉnh đã duy trì tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ từ trước...
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều thay đổi sau 5 năm được UNESCO ghi danh
Ảnh: Vietnam+
Xuất hiện biểu hiện thương mại hóa di sản
Từ khi được UNESCO ghi danh, sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được tự do phát triển, thậm chí có dấu hiệu bùng nổ, thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng số lượng cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ thanh đồng. GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia dẫn chứng: tại Nam Định, không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mở rộng đáng kể. Theo kết quả kiểm kê năm 2019, tại 10 huyện/thành phố có 100 xã/phường/thị trấn có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại 120 phủ, 172 đền, 70 điện, 16 đình, 295 chùa, 19 miếu và 3 địa điểm khác, tổng số địa điểm thực hành tín ngưỡng là 695. Trong khi kiểm kê năm 2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, tổng số địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ là 286.
Số lượng thanh đồng, cung văn cũng tăng rất nhanh, song tỷ lệ nghịch với chất lượng. “Trong sự phát triển bùng phát hiện nay, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ đồng thầy, thanh đồng đương nhiên không khắt khe, chặt chẽ như trước. Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy. Hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã “đẻ đồng”, tự phong mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy. Một số con nhang đệ tử, “đồng đua”, “đồng đú” gia đình lục đục, hao tiền tốn của vì chạy theo trào lưu trình đồng mở phủ” - GS.TS. Từ Thị Loan nhận định.
Bên cạnh đó, thực hành nghi lễ có những cải biến, “cách tân”, “sáng tạo”, xuất hiện một số giá hầu mới, các vị Thánh chưa từng có như giá Hùng Vương, giá Sơn Tinh, giá Ngọc Hoàng, giá Nam Tào, Bắc Đẩu… Có những giá hầu kém chuẩn mực, thậm chí phô diễn thái quá, lố bịch, bịa tạc lịch sử và công trạng của các vị thánh/thần. Một số trang phục hầu đồng cách tân kỳ quái, phản cảm. Đạo cụ hầu đồng tích hợp những đồ tạo tác hiện đại, không gắn với biểu tượng văn hóa. Phần cung văn cũng có nhiều lệch lạc trong giai điệu, ca từ, chất giọng không phù hợp, ngôn ngữ pha trộn (hát bằng tiếng Việt và không phải tiếng Việt)... Quá trình thực hiện một giá hầu bị rút gọn, cắt xén hoặc kéo dài phi truyền thống, đồng thời tích hợp những nội dung khác như nhảy múa, đánh đu, nhào lộn... không phải là hiện tượng hiếm hoi, thậm chí có xu hướng ngày càng phổ biến.
Việc sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và đa dạng, dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ. Xu hướng thương mại hóa cũng gia tăng khi một số thanh đồng do quá đặt nặng yếu tố thị trường, tranh thủ “núp bóng di sản”, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi, kiếm tiền...
Các chuyên gia cho rằng, sau 5 năm hậu ghi danh UNESCO là thời điểm thích hợp để nhìn nhận những gì đã làm được và chưa được, từ đó điều chỉnh kịp thời nhằm khắc phục hạn chế, phát huy những kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia cho giai đoạn 2023 - 2028.