Bài 1: Doanh nghiệp trở lại guồng quay
Tròn 1 năm đại dịch Covid-19 'càn quét' mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Tiền Giang đã nỗ lực vươn lên, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trước sự thay đổi về mặt thị trường hiện nay, chuyển đổi số được đánh giá là công việc cấp thiết để giúp các DN phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thăm nhà máy Want Want Việt Nam.
Trở lại guồng quay sản xuất, kinh doanh với nhiều khó khăn, nhưng các doanh nhân đã lèo lái DN đi đúng quỹ đạo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, có lúc tưởng chừng không thể trụ vững trên thị trường, nhưng bằng sự quyết tâm và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đã khôi phục từng bước.
PHỤC HỒI
Công ty TNHH Tongwei Việt Nam là một trong những DN của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Tiền Giang từ rất sớm với 15 năm hoạt động. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm sản xuất và cung ứng cho thị trường. Trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, DN đã tích cực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài việc khôi phục sản xuất, công ty đã đầu tư và đưa vào sử dụng thiết bị bảo vệ môi trường trị giá 1,88 triệu USD. Thiết bị này giúp cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, góp phần cung cấp cho các đại lý và nông dân sản phẩm chất lượng. Đồng thời, cải thiện, nâng cao hiệu quả nuôi trồng và góp phần thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung.
Dự án Nhà máy Want Want Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7-2020. Trong quá trình thi công, dự án chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm của nhà đầu tư, đến nay, nhà máy đã hoàn thành và đi vào sản xuất.
Ông Thái Diễn Minh, Chủ tịch Tập đoàn Want Want cho biết, 2 năm vừa qua, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà máy. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, DN sẽ đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị, máy móc, phấn đấu đến cuối năm nay, Nhà máy Want Want Việt Nam tại Tiền Giang sẽ được sản xuất tất cả các sản phẩm của công ty.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Trên thực tế, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các DN đã phục hồi, nhưng nhiều DN cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền cho biết, DN chủ yếu xuất khẩu thủy sản đi châu Âu. Trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, DN cũng gặp những khó khăn nhất định. Trước hết là giá thức ăn tăng dẫn đến nguyên liệu đầu vào tăng. Mặt khác, đồng Euro xuống giá nên có thời điểm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN. Những khó khăn này, DN phải tự cân đối để giải quyết.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được khôi phục.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, từ đầu năm đến nay, tình hình phục hồi và ổn định sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh khá tốt. Hầu như các DN đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của DN cũng có một số thuận lợi, tạo tiền đề cho hoạt động phục hồi sản xuất của các DN. Trước những khó khăn của các DN hiện nay, Sở Công thương luôn theo dõi sát tình hình hoạt động của các DN. Đơn vị sẽ cố gắng tháo gỡ khó khăn cho các DN. Theo đó, Sở sẽ có những chương trình về xúc tiến thương mại, khuyến công để hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Ông Chen Hong Liang, Tổng Giám đốc tài vụ khu vực Việt Nam Công ty TNHH Tongwei Việt Nam, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN đã phục hồi, nhưng đầu năm 2022, xung đột Nga và Ukraine đã dẫn đến giá nguyên liệu tăng rất cao, dẫn đến phí nguyên liệu của DN tăng mạnh.
Chưa kể, USD đã 5 lần tăng lãi suất và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay dẫn đến chi phí tài chính của DN tăng mạnh. Công ty phải điều chỉnh về tiền lương cho người lao động nên chi phí lao động từ đó cũng tăng theo, dẫn đến việc toàn bộ những chi phí để công ty đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng rất cao.
Để giải quyết khó khăn trên, DN sẽ thu hẹp lại một số chính sách về công nợ tín chấp cho khách hàng của mình. Đồng thời, điều tiết lại sự phát triển của DN theo đúng các quy luật kinh tế thị trường và giảm quy mô về các nguồn vốn vay của công ty đối với ngân hàng.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, sau đại dịch Covid-19, DN đã gặp khó, thêm vào đó là sự bất ổn về chính trị thế giới cũng tác động không nhỏ đến cộng đồng DN Tiền Giang. Xung đột giữa Nga và Ukraine, việc cấm vận của các nước phương Tây đối với Nga làm giá dầu thế giới tăng.
Các loại năng lượng khác cũng tăng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các DN. Chưa kể, chính sách Zero Covid của Trung Quốc hiện nay vẫn còn áp dụng làm chuỗi cung ứng của thế giới bị gián đoạn. Đó cũng là những khó khăn rất lớn của các DN trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh là một bức tranh hết sức xán lạn.
Đó là kết quả thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là sự nỗ lực chủ động vượt qua khó khăn của các DN, doanh nhân. DN đã thích ứng vượt qua khó khăn rất tốt.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện DN cũng gặp khó khăn rất lớn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các DN đang gặp khó khăn về mặt thị trường. Hiện nay, các hợp đồng xuất khẩu đang giảm, những DN xuất khẩu trên lĩnh vực thủy sản, may mặc, lương thực… ít hợp đồng đi. Do đó, trong chính sách phát triển thị trường cần thay đổi lại cách xúc tiến thương mại. Khó khăn kế tiếp của DN là về mặt tài chính. DN bước ra kinh doanh thì dòng tiền phải mạnh.
Cơ hội để tiếp cận các nguồn lực về mặt tài chính dù đã được mở ra, nhưng cũng không phải đơn giản bởi những quy định. Do đó, các ngân hàng thương mại cần tích cực tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN tiếp cận nguồn vốn. Đây là “dòng máu” quyết định để nuôi sống và phát triển các DN.
Bản thân các DN phải chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính. Hiện mặc dù đã giải quyết được bài toán nhân lực, nhưng trong một số lĩnh vực, một số DN vẫn còn gặp khó trong việc đảm bảo nguồn lao động theo yêu cầu.
Nếu giải quyết 3 khó khăn này thì chắc chắn những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ giảm và vươn lên.Với vai trò của mình, Hiệp hội DN tỉnh sẽ hỗ trợ DN trong tiếp cận các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, kết nối, chia sẻ giữa cộng đồng DN với nhau. Điều này cũng có thể giải quyết bài toán thị trường, tài chính, nhân lực.