Bài 1: Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Nông dân nhiều địa phương đến tham quan, học tập mô hình trồng dưa lưới ở xã Như Cố (Chợ Mới).

Nông dân nhiều địa phương đến tham quan, học tập mô hình trồng dưa lưới ở xã Như Cố (Chợ Mới).

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, các địa phương trên toàn tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Theo đó hằng năm, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở rà soát kế hoạch chuyển đổi của các địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh. Trong đó, tập trung chuyển đổi đối với những diện tích đất trồng lúa, ngô khó khăn về nước tưới tiêu sang trồng các loại cây khác. Đây là giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2021 của tỉnh là 316,39/167ha, đạt 189% so với kế hoạch; lũy kế diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2018 - 2021 là 1.866ha. Diện tích đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng/ha trở lên là 3.472ha. Năm 2022, kế hoạch thực hiện chuyển đổi là 210,3ha; duy trì diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2018 - 2022 là 1.866ha.

Dưa chuột Nhật được trồng nhiều ở Chợ Mới và TP. Bắc Kạn để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Dưa chuột Nhật được trồng nhiều ở Chợ Mới và TP. Bắc Kạn để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Các cây trồng được chuyển đổi thay thế cây lúa gồm: Khoai tây, ngô ngọt, sinh khối, khoai lang, khoai tây, dong riềng, khoai môn, thuốc lá, gừng, nghệ ớt, bí xanh, đậu tương, lạc, thạch đen… Ngoài ra, các loại cây không nằm trong kế hoạch cũng được trồng nhiều như: Dưa chuột Nhật Bản, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, giảo cổ lam, mía và các loại rau màu. Các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được các địa phương triển khai, nhân rộng chuyển đổi cây trồng, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Sản phẩm ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trên diện tích được chuyển đổi, hầu hết các mô hình sản xuất, thâm canh theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm, công nghệ cao, cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha/năm trở lên (cao hơn rất nhiều so với trồng lúa). Năm 2021, sản lượng rau, đậu, củ... các loại đạt 108% kế hoạch (tăng 3.248 tấn); sản lượng cây công nghiệp đạt 108% kế hoạch (tăng 1.926 tấn); sản lượng cây ăn quả đạt 105% kế hoạch (tăng 2.594 tấn).

Qua thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 0,5 - 1,5 lần trở lên so với canh tác lúa. Cụ thể, trên đất canh tác 2 vụ lúa/năm cho thu nhập trung bình từ 50-60 triệu đồng/ha/năm, khi chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (cây rau màu, bí xanh thơm, cây dược liệu, thạch đen....) cho thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha/năm (gấp 3 - 4 lần so với canh tác lúa). Nếu chuyển sang trồng cây lâu năm như cây cam, quýt, bưởi, hồng không hạt, ổi… cho thu nhập trung bình từ 80-180 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,5 - 3 lần so với canh tác lúa)...

Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bí xanh thơm. Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 200ha bí xanh thơm, chủ yếu tại huyện Ba Bể, thời gian thu hoạch vào tháng 6/2022 (từ lúc trồng tới lúc thu hoạch khoảng 5 tháng). Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao; sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn với giá trị sản xuất đạt trên 250 triệu đồng/ha, so với lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ gồm: Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì, Ba Bể, Chợ Đồn. Tại huyện Chợ Mới, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các hộ dân đăng ký thực hiện từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi khá phong phú như: Bí xanh, dưa chuột, ớt, mía, ngô, khoai tây, đậu đỗ các loại. Ngoài ra, mỗi năm hàng trăm héc-ta cây thuốc lá được trồng ở các xã Bình Văn, Yên Hân cho thu nhập cao và ổn định. Hầu hết các loại cây trồng đều được bà con sản xuất liên kết với diện tích lớn, có đầu mối tiêu thụ ổn định.

Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường; phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại, cải tạo đất, nâng cao sản lượng vụ lúa tiếp theo, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa một cách ổn định, bền vững./. (còn nữa)

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202207/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-bac-kan-bai1-hieu-qua-tu-viec-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-c240a7f/